Nhận thức được vấn đề này, trong năm 2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên đến nay, cả 4 sự kiện đều đã được tổ chức thành công.
Mỗi sự kiện với sự tham gia của hàng trăm gian hàng cùng hàng ngàn nông sản, hàng hóa chất lượng từ khắp các vùng miền quy tụ tại Thủ đô đã mang lại hiệu quả tích cực nhiều mặt. Đặc biệt, các sự kiện kết nối giao thương tổ chức bên lề 4 sự kiện nêu trên đã tạo kênh liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP dành cho chủ thể và các tổ chức, DN, kênh phân phối. Thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, đã có hơn 500 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được ký kết giữa các chủ thể, hộ sản xuất - kinh doanh với đại diện tổ chức, DN, nhà phân phối.
Việc tổ chức thành công các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP trong năm 2020 đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho các bên tham gia, bao gồm các tổ chức, DN, nhà phân phối; cũng như các chủ thể, hộ sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng cả nước. Đây là động lực lớn thúc đẩy các thành phần kinh tế tích cực tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội phấn đấu mỗi năm sẽ phát triển được thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP, trong đó ưu tiên nâng cấp các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống. Hà Nội tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để nâng sao cho các sản phẩm. Đồng thời, Hà Nội tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến gần với thị trường tiêu thụ.
Hà Trần