Trước đó, chiều ngày 8/4/2019, tổ công tác Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất nước giặt tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội do ông Thái Văn Tâm (quê Yên Thành, Nghệ An) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ tại khu nhà xưởng của cơ sở này 524 chai nước giặt (có dung tích 3,6kg) mang thương hiệu của Công ty TNHH LABIDO ÁNH DƯƠNG (có trụ sở tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội).
Số nước giặt không nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng thu giữ
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ thêm 25kg nhãn, 240 thùng catton và 170 chai nước giặt đã dán nhãn nhưng chưa đóng hàng. Làm việc với tổ công tác, đại diện cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ pháp lý của cơ quan chức năng cấp phép cho cơ sở hoạt động sản xuất các loại mặt hàng trên.
Cơ sở sản xuất nước giặt này nằm sát cánh đồng thuộc thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú nên ít người chú ý. Toàn bộ các thiết bị được cơ sở này dùng để pha trộn, sản xuất đóng chai rất đơn giản và thủ công. Mỗi ngày, có khoảng gần chục công nhân làm việc tại đây và chủ yếu là người thân của ông Thái Văn Tâm.
Những chai nước giặt tại cơ sở sản xuất của ông Tâm
Ngoài việc làm giả nước giặt của Công ty TNHH Labido Ánh Dương thì cơ sở này còn sản xuất thêm loại nước giặt, xả mang thương hiệu Paris do ông Thái Văn Tâm đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, qua so sánh mẫu nhãn hiệu được ông Thái Văn Tâm mô tả, đề nghị Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và các nhãn hiệu dán trên các chai nước giặt tại cơ sở sản xuất này nếu nhìn kỹ có nhiều sự khác nhau. Chính điều này khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng thật và nhái.
Trong cùng ngày, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, niêm phong và tạm giữ toàn bộ số hàng trên. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Hằng Vương