Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm

Chỉ thị số 34-CT/TU yêu cầu các đơn vị liên quan của thành phố thực hiện 6 nội dung:

Một là, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và UBND TP. Hà Nội về đảm bảo an toàn thực phẩm. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội.

Tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Từ đó thay đổi hành vi, thói quen, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu.

Hai là, xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Đưa các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.

Chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cần có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng. Ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm từ đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.

Liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn…

Năm là, tăng cường đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại trong quản lý an toàn thực phẩm.

Nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an toàn, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Nguyễn Kiên