Hà Nội có khoảng 7,3 triệu người đăng ký nhân khẩu. Trên thực tế, nếu tính dân số “ban đêm”, Hà Nội có trên 8 triệu người, dân số “ban ngày” lên tới hơn 10 triệu người. Đây sẽ là áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông, tạo ra thách thức cho công tác quy hoạch.

Phát triển đi đôi với thách thức

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định: Từ một thành phố tiêu thụ hàng hóa, quy mô nhỏ, nền công nghiệp chỉ với một vài cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, đến nay, Hà Nội đã phát triển không ngừng - là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế.

Cùng với sự gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, nhiều khu đô thị mới được hình thành, nhiều trung tâm thương mại, các công trình văn hóa lớn và các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại đã được cải tạo và xây dựng mới theo quy hoạch…

Tuy nhiên, quá trình phát triển và đô thị hóa, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn và khan hiếm, năng lực thực thi, nhất là quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành đô thị còn hạn chế. Những bất cập và tồn tại trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị như giữa bảo tồn và phát triển; giữa bản sắc và tiên tiến; giữa kinh tế - xã hội và đô thị; giữa luật pháp cơ chế chính sách và thực tiễn; giữa dân chủ và kỷ cương... đang là những vấn đề nổi lên, thậm chí là thách thức không nhỏ cần phải nỗ lực vượt qua.

Bất cập trong quản lý kiến trúc

Nói đến kiến trúc là bao gồm cả kiến trúc đô thị, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình. Để tạo nên tổng thể đô thị thống nhất, đòi hỏi mỗi công trình cần phải kết nối, hài hòa với khu vực và cả thành phố. Vì vậy, quản lý kiến trúc là công việc không thể tách rời trong công tác quản lý đô thị. Mặc dù, bộ mặt kiến trúc đô thị của TP. Hà Nội về cơ bản theo chiều hướng tốt.

Tuy nhiên, theo KTS. Bùi Xuân Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nhiều khu vực, tuyến phố còn nhếch nhác, còn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo; công tác kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình còn nhiều hạn chế khi chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội; nhiều công trình hiện diện nhưng chưa có một khu vực được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh…

Xác định nguyên nhân, ông Tùng cho rằng: Thứ nhất, về kinh tế, do hệ quả của việc đầu tư nóng vội không theo quy hoạch; thứ hai, do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, văn bản pháp lý chưa ban hành kịp thời hoặc chưa đầy đủ, quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch, chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình nên thiếu công cụ để quản lý. Ý thức xây dựng đô thị văn minh của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe...

Để đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch chung đã xác định, KTS. Bùi Xuân Tùng nêu chính kiến: Phải đảm bảo đô thị phát triển bền vững giữa bảo tồn khu vực nội đô với việc xây dựng các khu đô thị mới, giữa khu vực đô thị và nông thôn; gìn giữ và phát huy các giá trị tiêu biểu của các khu vực hình thái đặc thù của Thủ đô; hoàn thiện đồng bộ quy hoạch các cấp; xây dựng hoàn chỉnh các quy chuẩn, quy định, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc các khu vực quan trọng, tuyến đường chính, làm công cụ cho công tác quản lý, kiểm soát phát triển

Kiều Tuyết