Xét 4 tháng đầu năm, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD (trong đó vốn, mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD). Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%) – đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước.
Các lĩnh vực Hà Nội thu hút nguồn vốn FDI lớn như: Bất động sản, chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư trên địa bàn; dịch vụ buôn bán hàng hóa (chiếm 9%); xây dựng và hoa học công nghệ (chiếm 5%). Theo Báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 do Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE đánh giá: TP.HCM và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường bất động sản, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI. Cụ thể, thành phố cần thực hiện:
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023; phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô, tạo khung khổ pháp lý tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, giúp Hà Nội tăng tốc phát triển;
Tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư; tạo mặt bằng "sạch" để thúc đẩy - hình thành các khu, cụm công nghiệp;
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính trong giải quyết lĩnh vực đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài...
Thái Bình (Th)