Phát biểu tại lễ thông xe, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, nút giao giữa trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Khuất Duy Tiến có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn. Do vậy, thành phố luôn yêu cầu các đơn vị tập trung thi công, đưa hầm chui Lê Văn Lương vào khai thác nhằm tiết kiệm kinh phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, giảm ùn tắc giao thông.
“Việc khánh thành công trình ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian phương tiện lưu thông qua nút” - ông Tuấn chia sẻ.
Hầm chui Lê Văn Lương được Hà Nội khởi công từ tháng 10/2020, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, có tổng chiều dài khoảng 475m. Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn.
Sau lễ thông xe, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại.
Sở GTVT Hà Nội cấm các phương tiện như xe thô sơ và người đi bộ, các loạt phương tiện có chiều cao quá 4,75m đi qua hầm chui Lê Văn Lương. Người đi bộ và xe thô sơ lưu thông qua khu vực nút giao trên hầm chui Lê Văn Lương theo hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông theo quy định.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT, các phương tiện lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc đường Tố Hữu.
Các phương tiện lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) đi theo thẳng qua nút giao, quay đầu tại 02 điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc đường Tố Hữu.
Sở GTVT hướng dẫn phương tiện từ đường Lê Văn Lương, Tố Hữu đi đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) lưu thông qua khu vực nút giao theo hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông theo quy định.
Với xe buýt nhanh BRT, Sở GTVT tổ chức làn đường dành riêng trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.
Việt Anh - Duy Khánh