Biết, nhưng... vẫn mua
Khảo sát tại các chợ Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Cầu Diễn… hoạt động mua, bán diễn ra tấp nập. Tình trạng nhiều loại thực phẩm, hoa quả, đồ khô trong tình trạng ôi thiu, không rõ nguồn gốc diễn ra phổ biến.
Mới bước đến đầu chợ, tiếng kêu của gia cầm, tiếng người chào mua hàng vẫn diễn ra rôm rả. Hoạt động giết mổ diễn ra ngang nhiên khiến các cống, rãnh thoát nước trông bẩn thỉu, hôi thối, ruồi nhặng bu bám, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Các loại hàng hóa bày bán trong chợ không có nhãn mác, xuất xứ
Trong chợ, các mặt hàng được bày bán vô kể từ chủng loại, số lượng… nhưng không có xuất xứ, nguồn gốc. Nhiều sản phẩm đồ khô như: Măng, mứt, miến, bánh đa, hạt hướng dương… bày bán ngang nhiên mà không có nhãn mác, hạn sử dụng được đóng thủ công vào những bao nilon theo từng kích cỡ. Đặc biệt là khu chợ Nhà Xanh, các sạp bán đồ ăn nhanh không đủ đảm bảo VSATTP khi được phơi nắng, hứng bụi cả ngày, qua sơ chế, bảo quản không đúng quy định..
Chị Thanh, bán đồ ăn nhanh ở chợ Nhà Xanh cho biết, xúc xích, lạp xưởng… thường lấy theo cân ở các chợ đầu mối thì giá sẽ rẻ hơn một nửa so với các loại có thương hiệu. Vưa bán vừa “nhòm ngó” để còn kịp… chạy….
Bạn Nguyễn Thị Thanh Hoa (SV trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền) tâm sự: “Các mặt hàng bày bán ở chợ Nhà Xanh phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số sinh viên. Dù biết hàng không rõ nguồn gốc, các sản phẩm như: son, phấn, nước hoa… chủ yếu là hàng nhái, hàng Trung Quốc nhưng vì nhu cầu thì mình vẫn mua để sử dụng”.
“Chỉ có dịp gần Tết, các loại thịt gia súc, gia cầm, trước khi tới tay người tiêu dùng, được kiểm định, đóng dấu xanh, dấu tím của cơ quan thú y. Còn bình thường khi dịch bệnh qua đi hoặc chưa bùng phát, công tác kiểm dịch bị buông lỏng, rất đáng lo ngại”- cô Tâm (Cầu Diễn) chia sẻ.
Ông Lê Đức Cường – Trưởng ban quản lý chợ Cầu Giấy nói: “Thực phẩm bán ở chợ hiện nay không đóng dấu trực tiếp, sau khi có phiếu kiểm chứng tại lò mổ thì lợn được mang tới chợ bày bán nên không thể kiểm soát thịt bán ra có đúng con lợn được kiểm chứng hay không, chỉ có thú y mới có thể nhận dạng được lợn có đảm bảo VSATTP”.
Đồ ăn nhanh bán tràn lan ở chợ Nhà Xanh
Công tác quản lý vẫn bị thả nổi?
Hà Nội xất hiện hàng trăm chợ cóc và còn tiếp tục phát sinh. Điều đáng nói, tại các chợ này, cảnh bày bán, chế biến đồ ăn thức uống, hàng tạp hóa ngay trên vỉa hè, lòng đường, bờ mương, mất VSATTP, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường - diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Các khu giết mổ vẫn hoạt động tại các chợ cóc, gây ô nhiễm môi trường
Bà Nguyễn Kim Phượng – Trưởng ban quản lý chợ Cầu Diễn cho biết: “Với chức năng, quyền hạn của ban, chúng tôi chỉ đảm bảo việc các hộ kinh doanh trong khu vực chợ đầy đủ giấy tờ kinh doanh và chấp hành đầy đủ nội quy của chợ. Kèm theo việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người kinh doanh”.
“Hiện nay, vấn đề ATTP trên địa bàn quận, tuy đã kiểm soát tốt ở các chợ lớn, siêu thị, nhưng tại một số điểm chợ tự phát, chợ cóc, vấn đề ATTP vẫn còn bỏ ngỏ. chỉ “bắt cóc bỏ đĩa” nên không xử lý được triệt để. Chúng tôi đã hết sức phối kết hợp với các ban ngành có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn do vấn đề cầu cao, nên cung cũng hoạt động mạnh” – ông Lê Đức Cường – Trưởng ban quản lý chợ Cầu Giấy nói.
Về phía người tiêu dùng, hãy luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn những loại sản phẩm an toàn. Không mua các loại thực phẩm đóng gói sẵn, không nhãn mác, chỉ mua các loại có tem nhãn đầy đủ như tên thực phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, định lượng thực phẩm, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng...
Việt Trinh