Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ).
Đối với các dự án điều chỉnh vốn, báo cáo cho biết, trong 3 tháng đầu năm có 248 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 934,6 triệu USD (giảm 22,6% so với cùng kỳ).
Đối với góp vốn, mua cổ phần, số lượt các nhà đầu tư FDI đã góp vốn, mua cổ phần đạt 604 lượt, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 466,2 triệu USD (giảm 61,7% so với cùng kỳ).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 3/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh của các dự án hiện hữu cũng như giá trị các giao dịch góp vốn mua cổ phần cao hơn trong các tháng 1 và 2. Số dự án đầu tư mới cũng nhiều hơn, song quy mô dự án mới nhỏ hơn do không có nhiều dự án lớn.
Vì vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký trong ba tháng dù vẫn tăng 13,4% so với cùng kỳ, song mức tăng giảm 25,2 điểm phần trăm so với hai tháng đầu năm.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm nay.
Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lý do, Hà Nội có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới.
Trước đó, trong hai tháng đầu năm, Hà Nội cũng dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 1 là hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 2 gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Đồng Nai,...
Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 38,4%), điều chỉnh vốn (chiếm 17,3%) và GVMCP (chiếm 72,7%).
Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp đến, Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản,...
Trúc Mai