THCL Trong 2 tuần đầu tháng 8, lực lượng liên ngành thuộc BCĐ 389 TP. Hà Nội liên tiếp bắt giữ hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đụng đâu cũng thấy sai phạm

Theo đó, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại phố Nguyễn Sơn (Long Biên). Tại cửa hàng kinh doanh hàng xách tay số 26, ngõ 158, Nguyễn Sơn, lực lượng chức năng thu giữ 111 chai sữa dưỡng thể xuất xứ nước ngoài. Kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng xách tay Liên, số 174 Nguyễn Sơn, lực lượng chức năng tạm giữ hàng trăm sản phẩm gồm dầu gội, sữa tắm, phấn trang điểm, son môi… xuất xứ nước ngoài. Toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Nổi bật là vụ vi phạm bị phát hiện ngày 13/8 vừa qua. Đội QLTT số 13 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 BCĐ 389 Hà Nội và Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH Goidea tại số 84, phố Vọng, thu giữ một lượng lớn các loại mỹ phẩm nhập lậu.

Lô hàng trên có 1.100 sản phẩm, gồm các loại trị nám, trắng da, dưỡng da, bùn khoáng... mang các nhãn hiệu Isabel, Hasani, Facial Mask, Tazo'L, White Tea the soft mask... Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên sản phẩm không dán tem nhãn phụ, công bố chất lượng. Đại diện DN này đã không chứng minh được tính hợp pháp của lô hàng.

Trước đó, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với cơ quan công an đã tiến hành kiểm tra 19 vụ kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố, thu giữ hàng nghìn sản phẩm vi phạm. Đáng chú ý, khi kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Hùng Hường tại 27, Lò Đúc (Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này kinh doanh nhiều mỹ phẩm nhập lậu, buộc tiêu hủy 2.020 sản phẩm mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ.

Ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, đại diện BCĐ 389 Hà Nội cho biết, hiện trên thị trường có hơn 10.000 loại thực phẩm chức năng, trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước. Qua kiểm tra 10 đơn vị thì có tới 50% vi phạm ở các mức độ khác nhau; tại một số đơn vị, cơ quan chức năng chỉ lấy 5 sản phẩm thì có đến 3 sản phẩm không đạt chất lượng, trong khi đó, sản phẩm này đã được cung ứng đến 28 tỉnh, thành phố.

Những vụ vi phạm được lực lượng phát hiện, bắt giữ liên tiếp mới đây cho thấy, mỹ phẩm nhập lậu được bày bán tràn lan trên thị trường. Bên cạnh việc NSNN bị thất thu một khoản tiền thuế lớn từ hàng nhập lậu, thì ẩn họa khôn lường từ việc mua và sử dụng phải mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng với người tiêu dùng là rất lớn.

Mạnh tay trấn áp tội phạm

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng diễn biến phức tạp, đầu tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 389/QG đã có công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sẽ kéo dài từ 15/7 - 15/10/2015. Theo đó, các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đợt cao điểm đấu tranh tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thị trường nội địa, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra tại 2 địa phương lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên thị trường, sẽ chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa trong khâu lưu thông, phát hiện, xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát công tác quản lý trong giám định, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký lưu hành, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Tại buổi Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng thời gian vừa qua cho thấy, một bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ khó có thể triển khai hiệu quả nếu không có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội.

Cao huyền (Thương hiệu & Công luận)