Theo đó, Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2020: 100% các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua đó khuyến khích cũng như thúc đẩy người dân tham gia các dịch vụ thanh toán; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, thành phố sẽ triển khai một số giải pháp chủ yếu, như: Phát triển thanh toán điện tử và dịch vụ thanh toán bán lẻ (tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn); đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt...
UBND Thành phố giao Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, học phí, cước viễn thông, truyền hình...
Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật, các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và địa phương về hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng; ban hành các văn bản quy định về quy trình nghiệp vụ, quản trị rủi ro về hoạt động thanh toán theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thẻ thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán trường gần (NFC) trên di động, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ đám mây, thanh toán số và thương mại dựa trên thiết bị điện tử.
Chủ động tiếp cận khách hàng, trước hết là phân khúc khách hàng trong khu vực nhà nước và đối tượng quản lý của phân khúc khách hàng này để triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, sắp xếp phù hợp mạng lưới ATM và thực hiện giám sát hoạt động ATM đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn. Khi triển khai ATM lưu động cần đảm bảo an toàn đối với các thiết bị và các kết nối mạng không dây; có biện pháp ngăn ngừa việc giả mạo ATM lưu động và hướng dẫn khách hàng đặc điểm nhận biết.
Tiếp cận và phát triển dịch vụ thẻ đối với khách hàng ở khu vực nông thôn. Từng bước phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại để phục vụ thanh toán tiền điện, nước, cước điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội và các khoản thu khác như học phí, thuế nông nghiệp, thủy lợi phí... Tăng cường đào tạo cán bộ, nhân viên để có kiến thức, kỹ năng hướng dẫn khách hàng nắm bắt và sử dụng hiệu quả các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã quán triệt nội dung kế hoạch đến các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp, người dân trên địa bàn; có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán lẻ, người dân phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán, chi tiêu công, thu phí dịch vụ công, chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu, mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Phối hợp các ngân hàng thương mại trên địa bàn mở rộng lắp đặt, ứng dụng thiết bị thanh toán điện tử tại các cơ quan, đơn vị để thu phí dịch vụ công. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin để dễ dàng tiếp cận với các phương thức thanh toán điện tử hiện đại.
Linh Tuệ(UBND TP)