Ảnh minh họa
Theo đó, lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thành phố sẽ chủ động lựa chọn đối tác chiến lược từ các nước phát triển (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, EU, Úc, Mỹ) và từ các nước đang phát triển (Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu thu hút đầu tư; đồng thời đối tác phải có quy mô vốn đầu tư và số dự án lớn chiếm tỷ trọng lớn trong số các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay ở Hà Nội; phù hợp với định hướng ngành nghề và lĩnh vực thu hút đầu tư kinh doanh của thành phố; có thế mạnh cạnh tranh về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng hiện đại mà thành phố đang mong muốn hướng đến và thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, phát huy tối đa kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với lãnh đạo của thành phố; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, tham dự các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố tại nước ngoài cũng như các đoàn khảo sát, hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ chuyên ngành, nhằm đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu tư để đề xuất phương thức tiếp cận các đối tác đầu tư lớn, trọng tâm kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm. Thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phổ biến kiến thức về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thực hiện triển khai mở rộng dự án đầu tư.
Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện lập danh mục dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư vào TP Hà Nội; đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư quan trọng, có tính đột phá như đầu tư hạ tầng các khu cụm công nghiệp; tổ chức kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư tham gia vào các dự án lớn, dự án khu công nghệ cao, tham gia đầu tư vào các khu công nghiệp... Tăng cường phối hợp giữa đơn vị đầu mối với các sở, ngành của thành phố và với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài tại Việt Nam trong việc thu hút và lựa chọn các dự án đầu tư.
Lĩnh vực xúc tiến thương mại, đối với định hướng hoạt động xúc tiến xuất khẩu: Hướng tới phát triển “nền xuất khẩu nhanh và bền vững” tập trung vào các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gắn với thương hiệu Việt; Tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường, định kỳ nghiên cứu, đánh giá thị trường, trong đó đưa ra những thông tin, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả; thị trường của một số sản phẩm xuất khẩu chính để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm tại thị trường nước ngoài phù hợp với tiến trình hội nhập và các FTA; nghiên cứu tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước vượt qua các rào cản ở các nước nhập khẩu; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn, mang tính định hướng, dẫn dắt thị trường; tăng cường hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế tại Việt Nam.
Về định hướng hoạt động xúc tiến thương mại trong nước: Tiếp tục triển khai đi vào chiều sâu các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước như Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển rộng khắp, đứng vững tại thị trường trong nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng, kết nối cung cầu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kết nối các sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo mô hình chuỗi; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; tập trung khuyến khích, kêu gọi các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ. cao; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn.
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt tới người tiêu dùng, mở rộng phát triển thị trường phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp, như việc tổ chức các hội chợ triển lãm, tổ chức tháng khuyến mãi, tuần hàng nông sản; kết nối giao thương...; triển khai chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn, thiết kế mẫu mã sản phẩm, công nghệ, phổ biến kiến thức, đào tạo, tập huấn về thị trường, quảng bá phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Lĩnh vực xúc tiến du lịch: Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch Hà Nội và các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của du lịch Hà Nội qua việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Úc. Kết hợp tổ chức tham gia các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến Hà Nội nhân dịp các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa và các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo thành phố. Tổ chức đón các hãng lữ hành và đơn vị truyền thông, báo chí nước ngoài đến khảo sát điểm đến cũng như sản phẩm và dịch vụ du lịch của Hà Nội để triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp du lịch của Hà Nội với doanh nghiệp du lịch quốc tế...
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch trong nước thông qua việc tham gia các sự kiện du lịch lớn trong nước như năm du lịch quốc gia; tham gia hội chợ ITE TP Hồ Chí Minh và tổ chức quảng bá du lịch Hà Nội tại các tỉnh phía Nam; hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch Hà Nội trên mạng internet, các mạng truyền hình nổi tiếng của nước ngoài, ứng dụng trên điện thoại thông minh, mạng xã hội; từng bước xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch; triển khai hệ thống du lịch thông minh. Đẩy mạnh triển khai bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Hà Nội, phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch nổi bật của Việt Nam và khu vực.
Nguyễn Tuệ