Thực trạng kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn chưa hết nóng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025, toàn thành phố đã thành lập 609 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố 15 đoàn; 45 đoàn tuyến quận, huyện; 549 đoàn tuyến xã, phường. Kết quả kiểm tra 11.143 cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, thực phẩm: 9.997 cơ sở đạt (chiếm 89,7%); 1.146 cơ sở không đạt, xử lý vi phạm 990 cơ sở với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng; nhắc nhở 156 cơ sở.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra tiêu huỷ lượng lớn sản phẩm, thực phẩm như: 2.182kg trái cây, 90kg nem chua và quẩy; 251 thùng bim bim các loại; 325kg nguyên liệu phụ gia; 613kg thịt và mỡ lợn với tổng giá trị hàng hoá hơn 137 triệu đồng, xử lý buộc tiêu hủy tang vật.

Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ được hộ kinh doanh Lục Hồng tại thôn Thuận An, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì tàng trữ. Ảnh: Hoài Nam
Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ được hộ kinh doanh Lục Hồng tại thôn Thuận An, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì tàng trữ. Ảnh: Hoài Nam

Ngoài ra, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá khoảng 3.162 tỷ đồng là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm: Hơn 38 tấn thực phẩm nhập lậu các loại; 1.800 sản phẩm sữa bột các loại; hơn 28 nghìn sản phẩm thực phẩm bổ sung; 5.448 hũ sữa chua; 96 chai, 1.004 lít rượu thủ công; hơn 20 nghìn sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn vặt; mì các loại; 220 chai gia vị; 300kg gạo; 4.500 chiếc bánh bao kim sa, 600 chai nước giải khát Trà xanh 202, 135kg bim bim, 31,5kg (túi, hộp, gói) nguyên trà sữa và 1,2 tấn trái cây khô các loại nhập lậu, không bảo đảm ATTP, không đủ điều kiện lưu thông...

Tuy nhiên, thực trạng kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn chưa hết nóng, khi những ngày đầu tháng 6/2025, Đội QLTT số 8 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra hộ kinh doanh Hải sản Hiệu Linh (ngõ 82 phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) đã phát hiện 200 kg thịt trâu đông lạnh; 50 kg râu bạch tuộc, 40 kg mực ống cắt khoanh đông lạnh. Tổng trị giá số hàng vi phạm là 27, 1 triệu đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 18 (Chi cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra hộ kinh doanh Lục Hồng (thôn Thuận An, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì) phát hiện gần 1 tần chân gà, thịt trâu “bẩn”, tổng giá trị hàng hóa lên đến hơn 40 triệu đồng.

Đây chỉ là hai trong hàng chục vụ buôn bán, tàng trữ thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc mà lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện trong thời gian qua. Bới, trước đó, qua kiểm tra hơn 11.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã xử lý lượng lớn hàng nhập lậu, không rõ xuất xứ, với tổng trị giá khoảng 3,16 tỷ đồng. Riêng số hàng buộc tiêu hủy vì không đảm bảo chất lượng có giá trị hơn 137 triệu đồng.

Đội QLTT số 18 (Chị cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Lục Hồng tại thôn Thuận An, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Hoài Nam
Đội QLTT số 18 (Chị cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Lục Hồng tại thôn Thuận An, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin về những thủ đoạn tàng trữ, vận chuyển tiêu thụ thực phẩm “bẩn”, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho hay, hầu hết các đối tượng cất giữ hàng hoá vi phạm trong các kho lạnh nằm ở khu vực thưa dân cư. Đáng chú ý, quy trình thu mua - sơ chế - bảo quản - vận chuyển của cơ sở diễn ra khép kín và rất nhanh, hàng hóa sau đó được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Đặc biệt hoạt động lưu trữ, vận chuyển tiêu thụ chủ yếu vào thời điểm rạng sáng, khiến việc giám sát, phát hiện gặp nhiều khó khăn. Một trong những đặc điểm chung của các vụ việc này đó là số thực phẩm khi bị thu giữ đều đã được thu mua từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm định chất lượng ATTP. Nếu không bị phát hiện kịp thời, số thực phẩm này rất có thể đã được đưa vào tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội, thậm chí thông qua các kênh bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng.

Công tác quản lý vẫn… chồng chéo

Tình trạng vi phạm quy định về ATTP vẫn diễn ra phổ biến, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ ý thức kém trong chấp hành pháp luật và đạo đức kinh doanh của một bộ phận cá nhân, tổ chức tham gia chuỗi sản xuất – vận chuyển – chế biến thực phẩm. Ngoài ra, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi; công tác xử lý vi phạm cũng gặp không ít khó khăn về nhân lực, phương tiện kỹ thuật, cơ chế phối hợp và đặc biệt là xác định hậu quả làm căn cứ xử lý hình sự.

Cụ thể, ông Trịnh Quang Đức, Chi Cục trưởng QLTT Hà Nội cho biết: Dù Luật ATTP đã được ban hành từ năm 2020, nhưng việc phân công trách nhiệm giữa 3 bộ: Nông nghiệp & Môi trường, Công Thương và Y tế vẫn còn chồng chéo.

Ví dụ: Trong quản lý chất lượng bún: nguyên liệu (bột gạo) do Bộ Nông nghiệp & Môi trường quản lý, sản phẩm tinh bột do Bộ Công Thương, còn kiểm tra chất độc hại như tinopal lại thuộc Bộ Y tế. Cách quản lý phân tán này khiến việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại.

QLTT Hà Nội phát hiện một lượng lớn thịt gà đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Xuân Thắng (thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín). Ảnh: Hoài Nam
QLTT Hà Nội phát hiện một lượng lớn thịt gà đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Xuân Thắng (thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín). Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh: Để từng bước đẩy lùi tình trạng mất ATTP, cần có sự vào cuộc đồng bộ và có trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông, và đặc biệt là sự lên tiếng, tố giác mạnh mẽ từ người tiêu dùng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, để ngăn chặn hành vi vi phạm ATTP cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Từ hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao đạo đức công vụ và đạo đức kinh doanh, cho đến tăng cường phương tiện kỹ thuật và cơ chế giám sát – phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng…

Cũng theo các chuyên cho biết, muốn ngăn chặn thực phẩm bẩn hiệu quả, không chỉ cần hoàn thiện pháp luật, siết chặt quản lý, mà còn cần một cơ quan đóng vai trò “nhạc trưởng” điều phối thống nhất và chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ chuỗi quản lý ATTP.

Tuấn Ngọc (t/h)