Theo đó, sau 3 năm triển khai đề án Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, Sở KH&CN Hà Tĩnh đã hỗ trợ thiết kế cho 477 mẫu nhãn/logo và nhãn bao bì; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho 822 đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, đề án đã hướng dẫn cho một số doanh nghiệp như: Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Tổng Công ty Mitraco, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Viết Hải, Công ty CP Chè Hà Tĩnh… đăng ký thương hiệu ra nước ngoài.
Sau 3 năm triển khai đề án, Hà Tĩnh có hơn 800 thương hiệu được xác lập quyền sở hữu trí tuệ
Hoạt động ứng dụng và khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích bước đầu đã được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm, ứng dụng và phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Thông qua đề án đã có 10 sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu, chuẩn hóa về chất lượng và hệ thống nhận diện thương hiệu.
Theo đó, sau khi được thiết lập quyền sỡ hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu, giá trị của sản phẩm tăng từ 15 - 20% và giữ ổn định; thị trường tiêu thụ được phát triển theo chuỗi ngành hàng liên kết.
Đến hiện tại, Hà Tĩnh có 1.267 đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ, tăng hơn 4 lần so với năm 2015 trở về trước. Kết quả đánh giá cho thấy, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu đã phát huy tốt hiệu quả, tăng trưởng từ thương hiệu mang lại.
Dịp này, lãnh đạo Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao 86 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Phú Hậu