Được biết, An Việt Phát Hà Tĩnh là Nhà máy thứ hai trong chuỗi 10 nhà máy mà doanh nghiệp đã và đang triển khai xây dựng nhằm đáp ứng sản lượng về xuất khẩu trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định Số 120/QĐ- BQLKKT ngày 17/7/2019.
Nhà máy có tổng mức đầu tư 1.278 tỷ đồng, được xây dựng tại phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trên diện tích 150.000 m2, công suất gỗ xẻ đạt 56.160 tấn/năm; ván ép trên 187.200 tấn/năm; sản lượng phế phẩm từ hoạt động khai thác gỗ xẻ và ván ép là 224.640 tấn/năm.
Bên cạnh sản xuất nguyên liệu, dự án cũng sẽ sản xuất sản phẩm thành phẩm gồm: Sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện; cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Theo dự kiến, hợp phần thứ nhất của nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 8 năm 2020.
Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV) Hà Tĩnh là đối tác hợp tác cung cấp nguồn vốn vay cho Dự án Nhà máy An Việt Phát tại Hà Tĩnh.
Lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến lâm sản gần 1.300 tỷ đồng
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nhấn mạnh, đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm trong năm 2020 tại KKT Vũng Áng. Đề nghị nhà đầu tư ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn trong quá trình thi công. Công ty cũng cần hình thành, kết nối nhiều doanh nghiệp lâm nghiệp tại địa phương để tạo vùng nguyên liệu bền vững.
Việc đầu tư nhà máy tại KKT Vũng Áng nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng nội địa cũng như xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ra thị trường thế giới. Đồng thời nhằm khai thác thế mạnh về thương hiệu và hệ thống phân phối của công ty trên toàn thế giới.
Nhà máy đi vào hoạt động không những tăng thu ngân sách cho địa phương mà còn phát triển vùng nguyên liệu, làm tăng giá trị cây tràm so với hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ngọc Linh