Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vì thế cũng trở nên quyết liệt, thu hút sự chung tay của nhiều thành phần trong xã hội. Trong cuộc chiến đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị nghiệp vụ đã và đang có những biện pháp đấu tranh, kiềm chế loại tội phạm này.
Cụ thể, chiều 17/12, tại xã Kỳ Châu, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Châu tiến hành kiểm tra tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1978), trú tại thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, phát hiện có 363kg sản phẩm động vật (mỡ, da lợn đã qua sơ chế) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nghĩa không xuất trình được các thủ tục, hồ sơ chứng minh nguồn gốc lô hàng này.
363kg sản phẩm động vật (mỡ, da lợn) không rõ nguồn gốc được chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Nghĩa chia thành từng túi nhỏ, cất giấu trong tủ đông để chờ xuất ra thị trường tiêu thụ
Bà Nghĩa bước đầu khai nhận, đã tiến hành thu mua các sản phẩm động vật từ tháng 9/2019 đến nay; số da, mỡ lợn trên được mua tại chợ lân cận và các hộ dân trên địa bàn, sau đó đem về sơ chế qua rồi vận chuyển ra miền Bắc nhập cho các nhà hàng, người dân có nhu cầu.
Vụ việc đã được Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) lập biên bản, đồng thời ban giao hồ sơ cho cơ quan chức năng tỉnh này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại nhà riêng bà Trần Thị Thủy (thôn Lộc Nội, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà), các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, tịch thu 14 bao tải đựng mỡ bò đã qua sơ chế, với tổng trọng lượng 700kg. Tất cả số mỡ bò này đều không rõ nguồn nguốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối.
Tổ công tác do Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) chủ trì đã phát hiện tại nhà riêng của bà Trần Thị Thủy tàng trữ 14 bao tải chứa 700kg mỡ bò đã qua sơ chế. Tất cả lô hàng đều không có hóa đơn chứng từ
Về vấn đề này, Trung tá Đặng Quang Niềm, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, do đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh, chế biến các loại thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng, không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường hoạt động về đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi hòng đối phó, qua mắt cơ quan có thẩm quyền”.
“Trước tình hình đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bố trí lực lượng bám nắm địa bàn, kiểm soát các tuyến địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng như Y tế, Quản lý thị trường, Thú y... kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; kiên quyết không để tồn tại thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Trung tá Niềm nói thêm.
Hoàng Linh