THCL Những ngày sau tết Đinh Dậu 2017, phần lớn ngư dân Hà Tĩnh đã hối hả ra khơi bám biển mưu sinh trở lại.

Hà Tĩnh: Sau tết, ngư dân lại hối hả ra khơi bám biển - Hình 1

Ngư dân Hà Tĩnh đánh bắt hải sản trở về 

Sáng nay 7/2, ghi nhận của PV báo Thương hiệu & Công luận tại 2 cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) và Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) tấp tập tàu thuyền ra vào, nhiều tàu cập bến đầy ắp cá, tôm, cua, sò… Các xe ô tô đông lạnh cũng đã chờ sẵn để chở hàng đưa đi tiêu thụ.

Ông Phạm Văn Phán (54 tuổi, ngư dân xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vào Hà Tĩnh đánh bắt hải sản cho biết, những ngày gần đây cảng cá Cửa Sót đã tấp nập hơn, khác hẳn không khí u buồn, đìu hiu của nhiều tháng trước. Ông Phán cũng cho biết thêm, tàu cá công suất 110 CV của ông có 4 thuyền viên, trung bình mỗi ngày đánh bắt được 1 tạ tôm, 4-5 yến mực, 50kg cá.  “Tuy vậy, vì sự cố môi trường vừa qua nên giá hải sản hiện nay rất thấp. Trừ mọi chi phí, chúng tôi chỉ kiếm được 200-300 ngàn đồng/ngày/người”, ông Phán nói.

Ông Lê Văn Thành (58 tuổi, ngư dân tại cảng cá Cửa Nhượng) cho biết, cùng thời điểm, năm nay lượng hải sản mà tàu cá của ông đánh bắt được ở khu vực cách bờ biển Hà Tĩnh từ 8 hải lý trở ra không thấp hơn so với các năm. “Tuy nhiên, vì giá cá, tôm, mực, cua, ghẹ…chỉ bằng một nửa các năm  nên thu nhập của chúng tôi rất thấp. Mỗi ngày đêm, trừ chi phí, 5 ngư dân chỉ kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng”, ông Thành nói.

Hà Tĩnh: Sau tết, ngư dân lại hối hả ra khơi bám biển - Hình 2

Ngư dân Hà Tĩnh lặn sò, mưu sinh trên biển 

Chị Nguyễn Thị Yến (43 tuổi, ngụ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) làm nghề buôn bán hải sản tại cảng cá Cửa Sót cho biết, hiện thị trường mua bán hải sản đã có phần “khởi sắc” hơn những tháng trước tuy nhiên còn rất ít thương lái đến đây gom hàng. “Lý do vì tâm lý người dân còn e dè, chưa dám ăn hải sản như trước nên lượng bán ra cũng tụt giảm. Có nhiều loại cá biển như cá trích, cá lẹp, lòi…trước đây bán cho người ăn, nay không ai mua nên chúng tôi gom hàng về xay thành miếng bán lại cho người nuôi cá để cho cá ăn”, chị Yến nói.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên ngư dân gặp muôn vàn khó khăn. Tàu thuyền đánh bắt kém hiệu quả, lượng hải sản khai thác được ít hơn và giá bán thấp hơn. “Hiện hải sản vẫn rất khó tiêu thụ vì tâm lý chung của người dân còn sợ hải sản bị nhiễm độc”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho biết toàn tỉnh này có tổng cộng 5.500 tàu thuyền, trong đó có 300 tàu có công suất từ 90CV trở lên đánh bắt xa bờ. “Phần lớn tàu thuyền đã ra khơi, bám biển mưu sinh trở lại. Sản lượng thì đánh bắt được nhưng nhìn chung thị trường tiêu thị còn đầy khó khăn”, ông Hoàng nói.

Nguyên Dũng-Lưu Hà