Từ sáng sớm, hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa…..chen chúc trên các nẻo đường dẫn vào chùa Hương Tích.
Lễ khai hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) sáng 21/2
Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hương Tích là một ngôi chùa cổ tự nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, thuộc xã Thiên Lộc (Can Lộc). Chùa xây vào đời Trần, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa. Không những vậy, các cứ liệu lịch sử còn cho thấy, chùa Hương Hà Tĩnh có từ thế kỷ thứ mười ba, là chùa gốc có trước chùa Hương Hà Nội hàng trăm năm.
Một trò chơi dân gian tại lễ khai hội
Theo truyền thuyết, chùa Hương Tích là nơi thờ công chúa Diệu Thiện, con của vua Trang Vương nước Sở, đi tu hóa Phật. Nhưng trên thực tế, Hương Tích tự là cả một quần thể di tích văn hóa - tôn giáo cổ truyền, gồm: chùa, am, tháp, đền, miếu, thờ phật, thờ thần, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, thờ mẫu và đặc biệt là gắn liền với biết bao huyền thoại, truyền thuyết đủ để thấy nơi đây rất linh thiêng và huyền diệu.
Ngay sau phần lễ là chương trình văn nghệ, các trò chơi truyền thống như kéo co, chọi gà, kéo vật, đẩy gậy... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách.
Ông Nguyễn Duy Vỵ, Trưởng Ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), cho hay lễ hội chùa Hương Tích năm 2018 được tổ chức từ ngày 21/2 và kéo dài đến tháng 3 âm lịch.
Ông Vỵ cũng cho biết, với sự linh thiêng của chùa, vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, nhiều năm lại nay, lượng du khách và đạo hữu đến với chùa Hương Tích ngày càng tăng. Năm 2017, chùa Hương Tích đã thu hút trên 16 vạn lượt du khách. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích được huy động từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa ngày càng tăng, đã có trên 300 tỷ đồng được đầu tư vào Hương Tích tự.
Nguyên Dũng