Trong mấy tháng gần đây, Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) liên tiếp nhận được nhiều đơn thư ‘tố cáo” của nhiều công dân về việc họ cho một người phụ nữ tên Lê Thị Hạnh (SN 1973, trú tại xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) mượn số tiền lớn nhưng đến nay chị Hạnh không trả, và đã không còn ở nơi cư trú địa phương.
Có dấu hiệu làm giả giấy tờ đất đai để lừa đảo
Để tìm hiểu rõ thông tin vụ việc trên, PV báo Thương hiệu & Công luận đã có buổi làm việc với đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).
Xưởng may chị hạnh nhượng lại cho em gái trong đó có số máy khâu đã chuyển nhượng cho ông Hiếu
Theo vị đại diện này xác nhận, việc Công an huyện Thanh Hà, Công an TP Hải Dương và Phòng PC45 – Công an tỉnh Hải Dương nhận được đơn của các công dân tố cáo chị Lê Thị Hạnh mượn tiền xong không trả trong khi đã vắng mặt tại địa phương nhiều ngày nay là có thật.
Không chỉ có vậy, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Hà còn cho biết, chị Lê Thị Hạnh còn liên quan đến nghi án làm giả giấy tờ đất đai mà công an huyện đang điều tra làm rõ.
Vị đại diện này cho hay, ngày 5/1/2018, Cơ quan công an huyện Thanh Hà có nhận được công văn của Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà ký về việc điều tra hai hồ sơ chuyển nhượng đất có dấu hiệu làm giả con dấu chữ ký của lãnh đạo ủy ban.
“Cụ thể, hai hồ sơ giấy tờ đất đai cho thấy, một thửa do bà Lê thị Hồng (SN 1939) đứng tên sổ đỏ và một thửa bà Lê Thị Hạnh (SN 1973) đứng tên. Cả hai thửa này đều được bán cho một công dân tên Khương ở xã Bình Lãng.
Quá quá trình xác minh, cơ quan Công an điều tra huyện Thanh Hà phát hiện 2 mảnh đất đứng tên sổ đỏ đều không phải của 2 người trên và có dấu hiệu lừa đảo. Hiện nay, chữ ký trong các giấy tờ trên đã được chuyển lên các cơ quan giám định và chưa có kết quả nhưng bằng mắt thường chúng tôi đã có thể nhận biết dấu hiệu làm giả”, vị đại diện này cho biết.
Hàng chục đơn thư “tố cáo” liên tiếp gửi đơn đến cơ quan công an
Vị đại diện Công an huyện Thanh Hà cũng cho biết, từ đầu năm 2018, cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Hà liên tiếp nhận được rất nhiều đơn trình báo khác nhau nhưng có cùng phản ánh về việc cho chị Lê Thị Hạnh (SN 1973, trú tại xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) mượn tiền với số tiền lớn nhưng đến hạn đều không liên lạc được với chị Hạnh do người phụ nữ này đã vắng mặt tại địa phương trong thời gian dài.
Theo thống kê của đại diện Công an huyện Thanh Hà, ngày 13/2/2018 vừa qua, bà Nguyễn Thị Khuyên (SN 1964, trú tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nộp đơn trình báo về việc, bà Khuyên cho chị Lê Thị Hạnh vay 400 triệu đồng và 5 chỉ vàng 9999, với mục đích để mở rộng kinh doanh nhưng đến nay không trả và không liên lạc được.
Ông Lưu Xuân Hiếu có đơn gửi cơ quan Công an huyện Thanh Hà điều tra làm rõ
Cũng trong ngày 13/2, Công an huyện tiếp tục nhận được đơn của ông Lê Thế Vinh (SN 1960, trú tại xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) về việc cho chị Hạnh vay 140 triệu đồng trong nhiều lần nhưng đến nay không đòi được.
Mới đây, ngày 2/3/2018, Công an huyện cũng nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Thiết trú tại xã Thanh Bính (huyện Thanh Hà) về việc có cho chị Hạnh vay 10.000 USD đến lịch hẹn trả bà Hạnh đã… “bặt vô âm tín”.
Tiếp đó, Công an huyện cũng nhận được đơn của ông Lưu Xuân Hiếu (thôn An Lão, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) về việc đã đưa chị Hạnh 3 tỷ đồng để chuyển nhượng xưởng máy khâu của chị Hạnh (mỗi máy Jubi đầu tròn điện tử có giá 500 triệu đồng). Tuy nhiên, quá hẹn nhưng chị Hạnh không bàn giao máy mà đã chuyển nhượng lại xưởng cho em gái của chị Hạnh.
Ngày 12/3, Công an huyện Thanh Hà tiếp tục nhận được đơn của công dân tên Bảo nhà ở xã Thanh Bính về việc cho Hạnh vay 140 triệu nhưng không lấy lại được.
Ngày 13/3/2018 Cơ quan công an điều tra tiếp tục nhân được đơn của anh Nguyễn Đức Sơn (SN 1978 ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) với nội dung, thông qua mối quan hệ, anh Sơn có cho chị Hạnh vay 3 tỷ 400 triệu đồng với mục đích là để đáo nợ ngân hàng.
Theo đó, anh Sơn đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản chị Hạnh tại Ngân hàng VietcomBank chi nhánh phường Bình Hàn, TP Hải Dương và sau đó chị Hạnh có chuyển cho anh Sơn 2 giấy nộp tiền. Tuy nhiên, đến thời hạn anh Nguyễn Đức Sơn không liên lạc được với chị Hạnh và hiện nay chị Hạnh đã vắng mặt tại địa phương.
Trước sự việc trên, anh Nguyễn Đức Sơn có đến Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hải Dương thì được lãnh đạo Ngân hàng cho biết số tiền 3 tỷ 400 triệu đồng đã được chị Hạnh rút và 2 giấy chuyển tiền chị Hạnh đưa anh Sơn là giấy giả.
Đại diện Công an huyện Thanh Hà cho biết, ngay khi nhận được đơn của các công dân, công an huyện Thanh Hà đang tiến hành xác minh các đầu đơn. Theo thống kê sơ bộ số tiền chị Hạnh vay vào khoảng 7 đến 8 tỷ. Con số này chắc chắn chưa dừng lại bởi, ngoài Công an huyện Thanh Hà thì Công an TP Hải Dương và phòng PC45 - Công an tỉnh Hải Dương cũng nhận được đơn của các công dân khác về việc cho chị Hạnh mượn tiền.
“Tất cả các cá nhân trên có tiền cho chị Lê Thị Hạnh vay đều gửi đến Công an huyện Thanh Hà trình báo hiện không liên hệ được với chị Hạnh. Khi công an huyện cử lực lượng xuống tìm hiểu, chị Hạnh đã không có ở nơi cư trú dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra. Khi biết chị Lê Thị Hạnh vắng mặt tại nơi cư trú, chúng tôi đã kết hợp với nhiều cơ quan chức năng, cấm xuất nhập cảnh với chị Hạnh để phục vụ quá trình điều tra”, đại diện Công an huyện Thanh Hà cho hay.
Doanh nghiệp vỡ nợ ôm tiền “cao chạy xa bay”
Trong khi nhiều người dân mất ăn, mất ngủ từ cuối năm 2017 đến nay do lo ngại khoản tiền mà họ dành dụm, tiết kiệm để cho chị Lê Thị Hạnh vay có nguy cơ “tan như bong bóng xà phòng” thì người phụ nữ này lại lặng lẽ “cao chạy xa bay”.
Chủ tịch UBND xã Thanh Bính – ông Lê Sỹ Tín cho biết đã triệu tập nhiều lần nhưng chị Hạnh vẫn vắng mặt
Để tìm hiểu rõ thêm thông tin vụ việc trên, PV báo THCL đã tìm về xã Thanh Bính, nơi chị Lê Thị Hạnh sinh sống và từng có cơ sở sản xuất may mặc do chị Lê Thị Hạnh từng làm giám đốc. Tuy nhiên, hiện xưởng may này đã được chuyển nhượng cho em gái chị Hạnh.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính – ông Lê Sỹ Tín cho biết, chị Lê Thị Hạnh là người thường trú tại xã. Thời gian qua, có hai công dân có đơn gửi lên xã về việc chị Hạnh mượn tiền với số tiền một người cho vay 1 tỷ 6, một người cho vay 700 triệu nhưng đòi không trả, có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, do chị Hạnh làm ăn “vỡ nợ”, đã không còn ở địa phương. Chúng tôi đã triệu tập nhiều lần nhưng chị Hạnh không có nhà. Công an xã đã xác nhận và gửi lên Công an huyện Thanh Hà.
Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc trên…
Bùi Tú