Kinh Môn (Hải Dương): Bận xem bóng đá, Chủ tịch xã Hiệp Sơn từ chối tiếp báo chí? - Hình 1

Trụ sở UBND xã Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương) vắng vẻ trong giờ hành chính?

Ngày 14/03 vừa qua, sau khi nhận được phản ánh của người dân xã Hiệp Sơn (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã, PV báo Thương hiệu và Công luận đã vượt hơn 100 km từ Hà Nội đến địa bàn xã Hiệp Sơn bằng xe máy để ghi nhận thực trạng.

Tại đây PV được nhiều người dân sinh sống tại địa bàn Hiệp Sơn chia sẻ nỗi khổ phải gánh chịu tình trạng một số doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của họ.

Trước thực trạng này, người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh, thậm chí gửi đơn lên các cấp chính quyền địa nhương, nhưng đến nay sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm, khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng, vì môi trường sống đang bị đầu độc nghiêm trọng.

Kinh Môn (Hải Dương): Bận xem bóng đá, Chủ tịch xã Hiệp Sơn từ chối tiếp báo chí? - Hình 2

Ông Trần Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn viện lý do... để từ chối tiếp PV

Để tìm hiểu thông tin về vụ việc, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo xã Hiệp Sơn. Tại trụ sở UBND xã, sau khi một cán bộ văn phòng cho biết ông Trần Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn đang ở trên phòng làm việc và dẫn PV lên phòng vị Chủ tịch này, thì thấy ông Chương đang đứng cạnh cửa sổ phòng làm việc và chăm chú nhìn ra ngoài sân vận động xã xem đá bóng (Giải bóng đá truyền thống huyện Kinh Môn).

Sau khi PV gõ cửa, thì ông Chương mới ngừng xem. Tại phòng làm việc của ông Chương, PV đã trình Giấy giới thiệu của cơ quan cử đến xác minh thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm trên địa bàn xã. Đồng thời, đề nghị được làm việc với ông Chương nhằm tiếp cận thông tin liên quan.

Tuy nhiên, ngay lập tức vị Chủ tịch xã từ chối làm việc với lý do “bận họp trên huyện”. “Tôi sắp phải lên huyện đi họp, nên không thể tiếp được. Hẹn các anh sáng mai quay lại làm việc”, ông Chương nói.

Khi PV đề nghị chỉ “xin” ít phút để trao đổi về những thông tin liên quan, vì đã đi xe máy hơn 100km từ Hà Nội về xã. Nhưng, ông Chương vẫn cương quyết từ chối…

Thậm chí, PV đã đề nghị ông Chương cử một đồng chí Phó Chủ tịch xã làm việc với báo chí. Tuy nhiên, ông Chương vẫn từ chối vì: “Các Phó chủ tịch xã đang phục vụ công tác tổ chức Giải bóng đá của huyện, nên không có ở trụ sở”?

Trước sự việc trên, để tìm hiểu rõ thông tin người dân phản ánh, PV tiếp tục gọi điện thoại trao đổi với bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn. Sau khi trao đổi các thông tin, bà Liễu khẳng định: “Hôm nay trên huyện cũng không có lịch mời các lãnh đạo địa phương đến họp…”.

Kinh Môn (Hải Dương): Bận xem bóng đá, Chủ tịch xã Hiệp Sơn từ chối tiếp báo chí? - Hình 3

Giải bóng đá đang được tổ chức (ngày 14/03) tại sân vận động xã Hiệp Sơn

Về việc huyện có giao nhiệm vụ cho các Phó chủ tịch xã Hiệp Sơn phục vụ công tác tổ chức Giải bóng đá của huyện hay không? bà Liễu cho hay: “Tôi cũng không rõ hôm nay huyện có tổ chức giải hay không. Việc này thì phải cán bộ chuyên môn mới nắm được.”.

Khi được hỏi về việc đang trong giờ hành chính, cán bộ công chức có được bỏ giờ làm để đi cổ vũ bóng đá hay không? Bà Liễu nói: “Nếu trong trường hợp huyện có tổ chức giải bóng đá thì có thể phối hợp cùng nhau thực hiện, còn nếu cán bộ công chức ra xem và cổ vũ thì không đúng với nhiệm vụ…”.

Kinh Môn (Hải Dương): Bận xem bóng đá, Chủ tịch xã Hiệp Sơn từ chối tiếp báo chí? - Hình 4

Dù các Phó chủ tịch xã Hiệp Sơn đã đi phục vụ công tác tổ chức giải bóng đá của huyện Kinh Môn. Tuy nhiên, phòng làm việc vẫn mở cửa, đèn điện vẫn bật điện sáng trưng...

Sau khi trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, PV tiếp tục liên lạc lại với ông Trần Văn Chương, thì vị này nói: “Bây giờ tôi đang ngoài đồng, tôi đang tưới nước cho dân…”.

Trước những bức xúc của người dân, PV đã vượt tới hơn 100 km để về ghi nhận hiện trạng, thực tế. Vậy, lý do gì mà ông Trần Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn lại từ chối làm việc? Phải chăng vì đang bận xem bóng đá mà ông Chương từ chối? Bởi, bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn khẳng định: “Hôm nay trên huyện cũng không có lịch mời các lãnh đạo địa phương đến họp…”.

Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định về "Cung cấp thông tin cho báo chí", nêu rõ:

1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

a) Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

b) Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;

c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;

d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

3. Đối với vụ án đang trong quá trình Điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

4. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không Tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.

5. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường…

Báo Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV