Trước thông tin phản ánh của người dân về quần thể công trình gồm một căn “dinh thự” cùng hệ thống nhà xưởng ngang nhiên tồn tại trong hành lang tuyến đê tả và hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy, vi phạm Luật Đê điều, PV báo Thương hiệu & Công luận đã vào cuộc tìm hiểu để cung cấp những thông tin khách quan đa chiều làm rõ những phản ánh trên.

Theo quan sát của PV, nằm cách UBND xã Hoành Sơn chỉ vài trăm mét về phía khu vực sông Kinh Thầy, tuyến đê tả sông Kinh Thầy có tổng chiều dài lên đến 8km, nằm xem kẽ với các khu vực đồi núi trên địa bàn, được phân cấp là tuyến đê cấp 5 do địa phương quản lý. Thế nhưng, ngay sát tuyến đê ấy qua địa phận thôn Cậy Sơn ra mép sông Kinh Thầy là quần thể công trình kiến trúc nhà ở và nhà xưởng rộng đến hàng nghìn m2 đất nằm ngoài con đê bảo vệ, tiếp giáp ngay sát đến mép sông.

Hải Dương: Quần thể công trình “khủng” vi phạm Luật Đê điều - Hình 1

Dinh thự "khủng" được xây dựng trên đất cấp phép làm bến bãi

Khu nhà ở mà người dân địa phương gọi là “dinh thự” là một quần thể liên tiếp của 3 dãy nhà chính xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 mái thái kiên cố. Mặt trước căn nhà hướng ra sông Kinh Thầy có diện tích sân được đổ bê tông kiên cố rộng đến cả trăm mét vuông. Xung quanh căn nhà là khu vườn cây ăn quả, cây cảnh và hệ thống tường bao chắc chắn. Một con đường được mở từ mặt đê dẫn thẳng vào sân căn nhà được đổ bê tông rộng rãi.

Theo tìm hiểu của PV, khu dinh thự này vừa là nhà ở, vừa là “trụ sở” của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Sơn Nga.

Đáng chú ý, nằm liền kề khu nhà ở là diện tích khu nhà xưởng dùng để sản xuất hương, vàng mã rộng đến vài nghìn mét vuông được quây tường lợp mái tôn. Kế đó là khu chăn nuôi được xây dựng từ gạch ba vanh, lợp tôn khá chắc chắn.

Tất cả các công trình kiên cố trên trên đều nằm trong hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy, vi phạm nghiêm trọng luật đê điều. Nhưng lạ lùng là nhiều năm qua, công trình trên được xây dựng và đưa vào sử dụng mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương dường như vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc trên trên cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng, PV đã tiếp cận những tài liệu, văn bản, báo cáo của UBND huyện Kinh Môn, qua đó cho thấy, quần thể công trình trên được mọc lên trái phép từ dự án đầu tư xây dựng bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đã được các cơ quan chức năng cấp phép và cấp đất.

Theo UBND xã Hoành Sơn cho biết, khu vực bãi sông bờ tả sông Kinh Thầy thuộc địa bàn xã Hoành Sơn có một số vị trí là khu vực dân cư đã được hình thành từ lâu và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn. Khu vực còn lại là đất công điền được UBND xã cho các hộ dân đấu thầu để sản xuất nông nghiệp. Thực tế, các hộ dân đã ra xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá và dựng nhà cấp 4 để trông coi từ trước năm 2010.

Tuy nhiên, đến năm 2011, bà Quách Thị Đượng trú tại xã Lạc Long (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã xin lập dự án đầu tư xây dựng bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng lại toàn bộ công trình nhà, chuồng trại và cây cối hoa màu trên phần đất bãi sông.

Hải Dương: Quần thể công trình “khủng” vi phạm Luật Đê điều - Hình 2

Công trình vi phạm luật đê điều và thách thức dư luận

Ngày 3/9/2011, UBND huyện Kinh Môn có quyết định 341 chuyển mục đích sử dụng đất và cho hộ gia đình bà Đượng thuê đất để đầu tư xây dựng bến, bãi kinh doanh nguyên, vật liệu xây dựng. Ngày 22/2/2011, UBND huyện Kinh Môn có quyết định phê duyệt đơn giá cho thuê đất đối với hộ gia đình bà Đượng. Đến 26/2/2011, UBND huyện Kinh Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn trên đất cho gia đình bà Đượng với thời hạn 25 năm, diện tích 11.248 m2.

Ngày 11/4/2012, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định 830 cho phép bà Đượng xây dựng các hạng mục công trình liên quan đến đê điều, dự án đầu tư xây dựng bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại bãi ngoài đê tả sông Kinh Thầy. Theo đó, các hạng mục được xây dựng gồm nhà điều hành 90m2, nhà bảo vệ 16m2, nhà ở công nhân 51m2. Tất cả các nhà trên chỉ được làm tạm thời trong mùa khô theo kiểu nhà tạm, dựng cột,mái tôn, xung quanh bưng tôn, tấm ván ghép và phải tháo dỡ trong mùa mưa lũ hàng năm.

Tuy nhiên, đến ngày 1/9/2012, bà Quách Thị Đượng có hợp đồng 06/HĐKT cho công ty Cổ phần SX&TM Sơn Nga thuê một phần diện tích là 6.499m2 trong tổng số 11.248 m2 để làm văn phòng làm việc, bến bãi kinh doanh nguyên, nhiên vật liệu xây dựng với thời hạn thuê đất từ ngày 1/9/2012 đến 1/9/2036.

Liên quan việc này, trong báo cáo 73 ngày 26/6/2018 của UBND huyện Kinh Môn do bà Nguyễn Thị Liễu ký khẳng định: “Việc ký hợp đồng cho thuê đất này là sai không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng thẩm quyền”.

UBND huyện Kinh Môn cũng cho rằng, ngày 30/10/2012, UBND tỉnh Hải Dương có công văn 2306/UBND-VP về việc chấp thuận địa điểm kinh doanh than của Công ty Cổ phần SX&TM Sơn Nga trên phần diện tích đất của bà Quách Thị Đượng là chưa đủ cơ sở.

Trao đổi với PV báo THCL, ông Nguyễn Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, liên quan sự việc trên, huyện Kinh Môn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

PV