Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa, đã có đầy đủ các ban bệ để có thể giám sát. Từ Cục An toàn thực phẩm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế, Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương, Ban Chỉ đạo 389…, nhưng vì sao trong suốt 4 năm không ai kiểm tra, phát hiện vi phạm? Phải chăng các đơn vị này đang buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hay thiếu sự phối hợp? Đây có lẽ là những câu hỏi mà đông đảo người tiêu dùng đặt ra, chờ một câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan điều tra, Bộ Công an.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Liên quan đến vụ việc này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, không cấp phép, không quản lý trực tiếp, còn Bộ Y tế cho rằng trách nhiệm thuộc các địa phương.

Theo Bộ Công Thương, cơ quan này không có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.

Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các nhãn hiệu sữa bị làm giả trong vụ án gần 600 loại sữa giả, vừa được Bộ Công an triệt phá. Ảnh: Bá Toàn
Các nhãn hiệu sữa bị làm giả trong vụ án gần 600 loại sữa giả, vừa được Bộ Công an triệt phá. Ảnh: Bá Toàn

Tương tự, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công thương và Ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại các Điều 62,63,64,65; Trách nhiệm “Chủ trì việc phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm” được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, quy trình công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm, được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 - quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, phần lớn sản phẩm thực phẩm được tự công bố, riêng 4 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Còn tại Thủ đô, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay, Chi cục đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma 67 hồ sơ công bố; Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group 4 hồ sơ công bố.

Như vậy, trong gần 600 sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục ATVSTP Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm (12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng.

“Tuy nhiên, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai… Gần 90% các sản phẩm còn lại được công bố tại các tỉnh, thành khác”, đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội khẳng định.

Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả. Bá Toàn
Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả. Bá Toàn

Tương tự, Sở Công Thương Hà Nội lý giải, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.

Ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng (bao gồm cả việc tiếp nhận tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm).

Ngành Công Thương chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường (không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng).

Do không phải là đơn vị có quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa do Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, Sở Công Thương Hà Nội không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa của 2 công ty này.

“Do đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế, theo quy định của pháp luật hiện hành, Sở Công Thương Hà Nội không được thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm của hai doanh nghiệp này.

Lực lượng Quản lý thị trường chỉ có thể kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp...”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.

Hàng loạt cơ quan, ban ngành đã làm hết trách nhiệm?

Dù hàng trăm nghìn sản phẩm được bày bán công khai ra thị trường, đến tay người tiêu dùng trong suốt 4 năm qua, nhưng các cơ quan chức năng dường như bỏ trống, không kiểm tra và phát hiện vi phạm.

Theo luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho biết, cần phải xem lại chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi, hiện nay chúng ta đã có đầy đủ các cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng lậu và hàng kém chất lượng trên thị trường.

Trong vụ việc này, có thể kể đến: Cục An toàn thực phẩm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế, Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương... còn liên ngành, thì đã có Ban Chỉ đạo 389.

 “Vì sao, chúng ta đã có bộ máy với đầy đủ ban bệ để có thể giám sát được việc này, nhưng vẫn không ai kiểm tra. Phải chăng các đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hay sự phối hợp giữa các cơ quan có vấn đề?”, luật sư Vi Văn Diện đặt câu hỏi.

Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh. Ảnh Tuấn Ngọc
Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh. Ảnh Tuấn Ngọc

Theo luật sư Vi Văn Diện phân tích, dù Quản lý thị trường không phải là đơn vị quản lý chuyên ngành và kiểm tra về chất lượng, nhưng khi sản phẩm đã là hàng hóa trên thị trường thì đơn vị này phải có trách nhiệm giám sát.

“Vấn đề là họ đã chủ động đề xuất hoặc có kế hoạch phối hợp với cơ quan chuyên môn như chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm để kiểm tra, kiểm soát nhóm sản phẩm này để cảnh báo từ sớm, từ xa cho người dân hay chưa?”, luật sư Diện nhấn mạnh.

Cúng theo luật sư Vi Văn Diện nhận định, kẽ hở khiến công tác giám sát, kiểm tra sữa giả gặp khó là các sản phẩm này hiện chủ yếu bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội - nơi việc kiểm soát gần như bỏ ngỏ. Thậm chí, để lách kẽ hở, các doanh nghiệp còn thuê một số người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người có sức ảnh hưởng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo...

Luật sư Diện cho rằng, trong việc sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới cần phải có nội dung ràng buộc trách nhiệm liên đới nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời có chế tài mạnh hơn (như cấm có thời hạn quảng cáo, buộc xin lỗi công khai, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự).

chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội). Ảnh: Phạm Sơn
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội). Ảnh: Phạm Sơn

Đánh giá về việc này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội) cho biết:

Vụ việc này đã khiến người tiêu dùng hoang mang vì số lượng gần 600 loại sữa bột giả tiêu thụ hơn 4 năm qua vô cùng lớn. Nguy hiểm hơn, là có cả loại sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

“Với số lượng gần 600 loại sữa bột giả, doanh thu khổng lồ gần 500 tỷ đồng và hoạt động ngang nhiên trong suốt nhiều năm qua đã cho thấy thực trạng quản lý an toàn thực phẩm nội địa đang có lỗ hổng lớn. Khi sự việc được phát hiện, hàng nghìn gia đình, người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý vì đã để những đối tượng sản xuất sữa giả "tự tung tự tác" trên thị trường hơn 4 năm qua. Qua vụ việc này có thể thấy, thị trường nội địa đang bị buông lỏng, niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm nghiêm trọng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng có quyền kiện

Liên đến vụ việc làm giả 600 loại sữa, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đây là vụ việc gây nguy hại rất lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người yếu thế như trẻ em, người già, người mắc bệnh.

Người tiêu dùng có quyền kiện đơn vị sản xuất lẫn đơn vị phân phối sữa giả để đòi lại quyền lợi cho mình. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng trong việc lên tiếng đòi quyền lợi, thậm chí tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện khi cần.

“Theo quy định, Hội chỉ có thể vào cuộc xử lý khi có kiến nghị của người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi luôn tuyên truyền, động viên người tiêu dùng hãy lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình một cách kịp thời, thông suốt”, đại diện Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng trong việc lên tiếng đòi quyền lợi, thậm chí tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện khi cần…

Theo các chuyên gia nhận định: Việc hậu kiểm lỏng lẻo đã khiến các sản phẩm giả, kém chất lượng bày bán công khai trên thị trường.Ảnh: Dương Hưng
Theo các chuyên gia nhận định: Việc hậu kiểm lỏng lẻo, đã khiến các sản phẩm giả, kém chất lượng bày bán công khai trên thị trường. Ảnh: Dương Hưng

“Rất tiếc, đến thời điểm này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chưa nhận được bất cứ khiếu nại, kiện cáo nào của người tiêu dùng liên quan đến vụ việc sữa giả”, ông Vũ Văn Trung thông tin.

Sau khi đường dây sữa giả với gần 600 nhãn hiệu, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng trong suốt 4 năm qua bị phanh phui, dư luận đang đặt ra dấu hỏi lớn về trách nhiệm cũng như công tác quả quản lý an toàn thực phẩm của những cơ quan liên quan.

Có thể nói, khi mà vụ án đang được cơ quan điều tra, bộ Công an khởi tố, điều tra, thì tội ác của những kẻ lương tri bị đánh cáp, bỏ ngoài tai những quy định của pháp luật, để sản xuất ra hàng trăm, hàng nghìn hộp sữa giả mỗi ngày, sớm muộn sẽ bị trừng trị thích đáng; trách nhiệm của những người cầm cân, nảy mực trong các cơ quan quản lý, kiểm soát, kiểm tra cũng sẽ được làm rõ…. Nhưng điều đáng nói ở đây, là quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là những người yếu thế như trẻ em, người già, người mắc bệnh… vẫn đang bị tổn hại nghiêm trọng, thì trách nhiệm thuộc về ai?.

Liên quan tới vụ việc, tối ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện, yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả để thông tin cho người tiêu dùng; sớm xét xử.

Theo nội dung Công điện, việc phanh phui nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối các loại sữa giả vừa qua đã khiến người tiêu dùng bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm giả này. Nhằm tăng cường trách nhiệm, ngăn thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an sớm kết luận, đưa các nghi phạm ra xét xử.

Theo đó, Bộ Công Thương được Thủ tướng giao nhiệm vụ tăng cường quản lý thị trường, sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, môi trường mạng và các xuất bản phẩm.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì để rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm sữa. Sau đó có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.

UBND các tỉnh, thành được giao kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm sữa trên địa bàn phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuấn Ngọc