Đó là một trong những giải pháp được BCĐ 389 tỉnh Hải Dương quán triệt tới các lực lượng chức năng. Theo đó, đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì phải điều chuyển, bố trí công tác khác và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp, không để người dân, doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào các cơ quan chính quyền; quyết tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật.
Theo BCĐ 389 tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác tham mưu, nắm và dự báo tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, chống người thi hành công vụ… vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; vai trò của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luận chưa cao, còn có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương tập trung tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định lĩnh vực công tác này là lĩnh vực chính trị quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.
Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác lập các phương án đấu tranh với các loại tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân… triệt phá tận gốc, đánh trúng tối tượng cầm đầu. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa gắn mác “xách tay”, việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, về kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ rõ vi phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy vai trò toàn dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Quá trình triển khai nhiệm vụ công tác trên thực tế kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có bất cập, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các quy định thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới; phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam xuất sang nước thứ 3, rác thải độc hại nhập khẩu vào Việt Nam, các hành vi chuyển giá, trốn thuế.
Triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất tại các địa bàn trọng điểm, các vụ việc nghiêm trọng được dư luận quan tâm, các vướng mắc, khó khăn của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tham mưu, đề xuất chỉ đạo kịp thời.
Theo BCĐ389