Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng chuyển biến tích cực
Nguồn cung hàng hóa nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên, giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng đã tạo áp lực lớn đến giá các loại hàng hóa tiêu dùng, qua đó cũng làm ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh và sức mua trong dân cư.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước đạt 8.725 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng Bảy đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 59.116 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 9.032 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng Bảy ước đạt 7.201 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 48.564 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 17.613 tỷ đồng, tăng 14,7%, là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 6.109 tỷ đồng, tăng 13,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 5.973 tỷ đồng, tăng 10,2%; xăng dầu các loại đạt 5.193 tỷ đồng, tăng 16,6%.
![Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/08/07/hai-duong-tong-muc-ban-le-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-trong-thang-7-uoc-dat-khoang-hon-8000-ty-dong-1723021198.jpg)
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Bảy ước đạt 1.523 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 7 tháng ước đạt 10.552 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 172 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 3.798 tỷ đồng, tăng 17,3%; dịch vụ khác đạt 6.491 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng Bảy, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách tăng 16,3%; vận tải hàng hoá tăng 11,4%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 15,2%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 6,7%.
Tính chung 7 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 9.032 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách tăng 18,1%; vận tải hàng hoá tăng 12,5%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 23,2%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 12,5%.
Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy ước đạt 949 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 5.699 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá trị hàng hoá xuất khẩu của Tỉnh tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước, nhưng tốc độ tăng của tỉnh lại tăng khá đồng đều và ổn định giữa các tháng hơn so với cả nước.
Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 698 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng đầu năm nhập khẩu ước đạt 4.561 triệu USD tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng
Về chỉ số giá tiêu dùng, theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,65% so với tháng 12/2023; bình quân 7 tháng đầu năm CPI tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 3 nhóm giảm giá và 01 nhóm có giá ổn định so với tháng trước. Trong 7 nhóm hàng tăng giá, có một số nhóm tăng cao, tác động nhiều đến CPI chung như sau:
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,16%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,21 điểm%; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: điện sinh hoạt tăng 4,903%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,14 điểm%; nhà ở tăng 0,33%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,04 điểm%.
Nhóm giao thông tăng 1,66%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,17 điểm%; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: nhiên liệu xăng, dầu tăng 3,74% (làm cho CPI chung tăng 0,16 điểm%); phương tiện đi lại tăng 0,16% (làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm%).
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,10%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,16 điểm%; tăng ở một số mặt hàng như: Bảo hiểm y tế tăng 30% (do điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHYT của hộ gia đình và học sinh, sinh viên cũng thay đổi), tác động làm cho CPI chung tăng 0,17 điểm%; dịch vụ hiếu hỷ tăng 0,65%, làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm%; tăng chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm tăng 0,41% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm%) do: thịt gia súc tăng 0,39%; thịt chế biến tăng 0,81%.
Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,13%, tác động làm cho CPI chung giảm 0,01 điểm%; giảm chủ yếu giảm ở mặt hàng quần áo may sẵn giảm 0,02%, tác động làm cho CPI chung giảm 0,01 điểm%; nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%.
Giá vàng trong tháng tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 0,74% so tháng trước; tăng 34,69% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 26,50%. Tính đến ngày 23/7/2024, bình quân giá vàng là 7.602 ngàn đồng/1 chỉ, tăng 56 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 7.590 – 7.620 ngàn đồng/chỉ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Bảy giảm 0,01% so với tháng trước; tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 5,76% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng Bảy là 2.546.292 đồng/100USD, giảm 273 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.540.000 – 2.550.00 đồng/100USD.
Thuỳ An