THCL - Sáng ngày 24/02, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) tổ chức Hội thảo “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu - Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển” với sự có mặt của các nhà khoa học và lãnh đạo địa phương.

Hải Hậu (Nam Định): Tổ chức Hội thảo KH về chứng tích biến đổi khí hậu - Hình 1

Các nhà khoa học trao đổi với lãnh đạo địa phương

Trước đó, do ảnh hưởng của biển đổi khí hậu, từ năm 1920 đến nay, huyện Hải Hậu mỗi năm biển lấn 15- 20 m đất/năm, đã mất trên 6.000.000 m2 đất. Trong đó, từ năm 1985 đến nay là 3.410.00 m2 (khoảng 100 ha đất làm muối). Tuyến đê biển của huyện Hải Hậu, tuy đã cơ bản được kiên cố nâng cấp lát các cấu kiện bê tông hoặc xây đá, mặt đê được đổ bê tông hoặc rải đá cấp phối.

Song phần lớn các tuyến đê biển là đê một tuyến và nằm trên nền đất yếu. Bờ biển vẫn nằm trong vùng biển lấn, bãi thoái, bãi phía biển bị hạ thấp, dòng chảy áp sát chân đê, do đó tuyến đê không đảm bảo an toàn khi xảy ra bão lớn kết hợp nước biển dâng.

Hải Hậu (Nam Định): Tổ chức Hội thảo KH về chứng tích biến đổi khí hậu - Hình 2

Ông Trần Văn Chinh, Phó bí thư thường trực Hyện ủy Hải Hậu phát biểu tại hội thảo

Phần lớn các nhà khoa học đều nhận định tỉnh Nam Đinh và huyện Hải Hậu cần duy tu, tôn tạo khu Chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ ngay trong thời gian tới, vì khu vực quanh như chân, các hạng mục xung quanh di tích này đang xuống cấp một cách trầm trọng. Thậm chí, nhiều nhà khoa học lo ngại rằng, chỉ cần một cơn bão đủ lớn thì chứng tích này sẽ không còn nữa.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại hội thảo GS. TSKH. Đặng Vũ Minh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phân tích: Hiện tượng băng tan, tuyết chảy tại hai cực Nam - Bắc bán cầu, cùng với đó nhiệt độ trái đất nóng lên, làm cho nước biển dâng cao và toàn bộ tuyến đê ngăn biển của tỉnh Nam Định nói chung và huyện Hải Hậu nói riêng chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của hiện tượng này…

Hải Hậu (Nam Định): Tổ chức Hội thảo KH về chứng tích biến đổi khí hậu - Hình 3

Các nhà khoa học khảo sát Chứng tích Tháp chuông tại xã Hải Lý

Theo đó, PGS. TSKH. Vũ Cao Minh, Chủ nhiệm đề tài khoa học “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển” dẫn chứng nhiều hình ảnh cho thấy, chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ được xây dựng đã lâu (từ năm 1927), cùng với đó là nhiều dải đê cũ được đắp giật lùi vào bên trong do quá trình xâm thực theo từng giai đoạn cụ thể, các hệ sinh thái biển đang dần mất đi, điều đó cho thấy mối lo ngại rất đáng quan tâm.

Hải Hậu (Nam Định): Tổ chức Hội thảo KH về chứng tích biến đổi khí hậu - Hình 4

Đoàn tiến hành khảo sát tại bãi biển xã Hải Lý

“Toàn bộ Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Vì vậy, cần giáo dục để bảo vệ môi trường, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, phục dựng một số nét sinh hoạt sản xuất làng cổ (nhà ở, đường đi, cây xanh…); xây dựng bảo tàng văn hóa, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng bảo tàng đê điều; trạm quan trắc biến đổi môi trường và khí hậu.

Đề xuất về tổ chức: Hình thành khu chứng tích biển đổi khí hậu Hải Hậu… Trong thời gian tới, nếu được tổ chức bảo tồn tốt, di tích này sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học”, PGS. TSKH. Vũ Cao Minh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Trần Văn Chinh, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hải Hậu kiến nghị: “Trung ương, tỉnh Nam Định và các ngành cần quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ huyện trong việc xây dựng kè bảo vệ khu chứng tích biến đổi khí hậu nhà thờ đổ Văn Lý nhằm bảo tồn, khai thác, giữ gìn và có ý nghĩa giáo dục, nhân văn rất lớn. Hỗ trợ, đào tạo nghề mới cho ngư dân, diêm dân nghèo đảm bảo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Hà Long