Theo đó, quyết định số 2137/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng về tiêu chí “Thôn an toàn phòng cháy và chữa cháy” bao gồm các nội dung quy định chi tiết phương thức, hoạt động cần thiết để thực hiện quyết định. Có nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tại các ngõ, xóm dân cư sẽ được niêm yết nội quy an toàn về PCCC và số điện thoại báo cháy 114 để nhân dân biết liên lạc, thực hiện các thao tác kịp thời khi có cháy nổ xẩy ra. Đối với đường liên thôn, liên xã không được đóng cọc bê tông, không tập kết hàng hóa, vật liệu làm ảnh hưởng đến xe chữa cháy hoạt động khi có sự cố cháy, nổ xẩy ra. Việc làm cổng chào tại các thôn, xã phải đảm bảo chiều rộng tối thiểu 3,5m và cao 5m để cho xe chữa cháy, các phương tiện trong cứu nạn cứu hộ (CNCH) hoạt động ra vào được.
Đối với mỗi địa phương đều phải có phương án chữa cháy và thoát nạn theo quy định được chủ tịch UBND xã phê duyệt. Trưởng thôn lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo các quy định tại nghị định số 136/2020/NĐ-CP và thông tư 149/2020/TT-BCA. UBND xã phải thành lập đội dân phòng đảm bảo về số lượng thành viên theo quy định tại thông tư 149/2020/TT-BCA để kịp thời huy động lực lượng này tham gia vào công tác xử lý khi có cháy nổ xẩy ra tại địa phương. Các cán bộ, đội viên đội dân phòng phải được tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, CNCH và được tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH đáp ứng yêu cầu tại chỗ. Về phần trang thiết bị, đội dân phòng được trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC và CNCH theo danh mục trang thiết bị phương tiện quy định của thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC cho nhân dân trên loa truyền thanh hoặc tổ chức tuyền truyền trực tiếp về công tác PCCC cho nhân dân địa phương. Nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy phải đảm bảo có (trụ nước máy tại các tuyến phố hoặc ao, hồ, kênh mương...có thể hút được nước)
Đối với mỗi hộ gia đình tại “Thôn an toàn PCCC” thì phải sắp xếp các khu vực đun nấu, thờ cúng, nơi có sử dụng đến nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện...đảm bảo an toàn PCCC. Các loại tài sản, vật tư, chất dễ gây cháy phải bảo quản và sử dụng theo đúng quy định, nên có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình, có lối thoát hiểm dự phòng để thoát nạn nhanh chóng, kịp thời. Mỗi chủ hộ gia đình hãy nhắc nhở thường xuyên các thành viên cảnh giác, phòng ngừa tai nạn về cháy nổ, tìm hiểu các quy định về PCCC để nâng cao hiểu biết và đảm bảo an toàn khi có sự cố cháy nổ xẩy ra. Có tinh thần tích cực tham gia CNCH, cứu người, cứu tài sản để giảm thiểu tối đa các rủi do khi có cháy, nổ tại địa phương.
Lương Huệ