Kiểm tra trạm bơm trên nhiều địa phương của Hải Phòng, các doanh nghiệp thủy lợi nhận thấy trạm bơm Quang Hưng (xã Quang Hưng) và trạm bơm Bát Trang (xã Bát Trang) thuộc địa bàn huyện An Lão, TP. Hải Phòng có hiện tượng xuống cấp nặng, các máy bơm trục ngang cũ rão, động cơ hư hỏng, nhà trạm và bể hút - xả nước tình trạng xập xệ, các thiết bị điện trong quá trình vận hành không bảo đảm điều kiện an toàn khiến hoạt động của trạm bơm không đạt công suất thiết kế. Được biết 2 trạm bơm này có nhiệm vụ tiêu úng cho hơn 3.200ha diện tích sản xuất nông nghiệp cho 5 xã: Quang Hưng, Bát Trang, Trường Thành, Trường Thọ, Quốc Tuấn thuộc huyện An Lão, TP. Hải Phòng, đồng thời đảm bảo an toàn tuyến đê điều, phòng, chống lụt bão trên địa bàn. Mỗi trạm bơm có 12 tổ máy hoạt động với công suất 4.000m3/h. Tuy nhiên, các trạm bơm này đã được đầu tư xây dựng từ những năm cuối thập niêm 70 của thế kỷ trước nên đã cũ và xuống cấp trầm trọng.
Ông Đỗ Văn Công – Trạm trưởng Trạm khai thác công trình thủy lợi Trung Trang thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: Thời điểm tháng 8/2022 với trận mua lớn có lượng mưa trên 100mm kèm theo triều cường làm ngập úng cục bộ nhiều nơi. Đơn vị được yêu cầu vận hành hết công suất 24 tổ máy của 2 trạm bơm, nhưng do thiết bị các trạm bơm xuống cấp, gây nhiều khó khăn trong vận hành, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu úng. Từ thực tế trên, Trạm đề xuất công ty sửa chữa, thay thế thiết bị tại cụm công trình trạm bơm Quang Hưng, Bát Trang.
Kiểm tra tình trạng trạm bơm Hoàng Lâu, huyện An Dương, TP. Hải Phòng do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải quản lý thực hiện nhiệm vụ tiêu úng cho 2 khu công nghiệp Tràng Duệ và An Dương cùng một số xã lân cận. Mặc dù đưa vào hoạt động, vận hành cách đây mới 5 năm nhưng trước những diễn biến bất lợi của thời tiết cùng việc chuyển dịch nhu cầu sử dụng đất từ nông nghiệp sang các mục đích khác khiến công trình này phải”gồng mình” trong mùa mưa, bão.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Hải Phòng), để hạn chế thiệt hại do ngập lụt gây ra, đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo tiêu úng trong bối cảnh nhiều trạm bơm, công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Cuối tháng 4/2023 vừa qua, đơn vị hoàn thành sửa chữa thiết bị tại cụm công trình trạm bơm Quang Hưng, Bát Trang (huyện An Lão, TP. Hải Phòng) với tổng mức đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng. Sau khi sửa chữa, 24 máy bơm hoạt động bảo đảm công suất thiết kế (4.000m3/h), khu vực bể hút - xả được nâng cấp. Doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi như: trạm đo mưa tự động, thiết bị giám sát vận hành trạm bơm điện, bản đồ số hệ thống công trình thủy lợi...giúp đưa ra quyết định kịp thời trong công tác điều tiết nước, nhất là nước tiêu úng.
Đối với đơn vị chịu trách nhiệm khai thác vận hành trạm bơm Hoàng Lâu, ông Trần Quang Hoạt – Chủ tịch hội đồng quản trị cho rằng: Tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện nay diễn ra nhanh chóng trong khi các trạm bơm tưới, tiêu của các doanh nghiệp khai thác thủy lợi hầu hết được đầu tư cách đây nhiều năm, máy móc, thiết bị xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó, về lâu dài, thành phố và các địa phương cần có các giải pháp nâng cấp, đầu tư mới công trình trạm bơm tiêu úng hiện đại gắn với ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi, giảm ngập lụt, ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Mùa mưa, bão năm 2023 cận kề, để đảm bảo hệ thống thủy lợi, nhất là các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn Hải Phòng cần hoạt động ổn định, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do ngập lụt gây ra, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi của Hải Phòng cần khẩn trương kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động của các trạm bơm, công trình thủy lợi xuống cấp, sớm có phương án sửa chữa, duy tu. Đối với các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả cao chỉ thị 03/CT UBND TP. Hải Phòng về chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về thủy lợi, kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng pháp luật, không để ảnh hưởng đến vận hành của hệ thống thủy lợi.
Trần Đông