Hiện nay, Hải Phòng đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế khi các KCN đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở các KCN trên địa bàn TP.Hải Phòng bị bỏ ngỏ, thậm chí có KCN còn chưa có hệ thống xử lý nước thải chung, nhưng vẫn cấp giấy phép cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Hậu quả là nguồn nước, không khí bị ô nhiễm, người dân sống xung quanh KCN bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế… Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, TP.Hải Phòng là ví dụ điển hình về chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Khói bụi từ KCN Tràng Duệ
Từ nhiều năm nay người dân ở Thôn Đồng Xuân, xã Hồng Phong, huyện An Dương (Hải Phòng) không còn cái cảnh thảnh thơi, yên bình của làng quê có không khí trong lành, thay vào đó nhà nhà cửa đóng then cài vì sợ khói bụi ở các nhà máy trong KCN Tràng Duệ luôn bủa vây nhà dân.
Ông Đỗ Văn Bằng 54 tuổi ở Thôn Đồng Xuân bức xúc: Quanh năm suốt tháng hơn 100 hộ gia đình chúng tôi khốn khổ vì các nhà máy trong KCN Tràng Duệ gây ô nhiễm môi trường. Gặp những ngày có gió đông nam, nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít cả ngày không dám mở, khói bụi từ nhà máy gỗ bay mù mịt, khói bụi đen xì, gây khó thở, tức ngực, khiến cuộc sống của dân làng bị đảo lộn, sáng dậy quét nhà ra hằng đống mùn cưa.
Còn bà Vũ Thị Hẳn 66 tuổi cho biết: Nhà bà có 8 sào ruộng đang canh tác, là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, từ khi có KCN về, ruộng không còn năng suất như trước nữa, mặc dù bỏ công chăm sóc nhưng do nguồn nước tưới bị ô nhiễm nên hạt lép, cả 8 sào ruộng gần như mất trắng. Bà Hẳn tỏ ra rất lo lắng: thiệt hại về kinh tế đã vậy, nhưng trong vòng một năm nay tại thôn có rất nhiều người chết do ung thư phổi, ung thư vòm họng, như ông Cao Đức Đáp (71 tuổi), bà Phạm Thị Chuyên (39 tuổi), ông Nguyễn Văn Lấy (55 tuổi)…
Cũng trong tình cảnh tương tự ông Phạm Văn Mến 58 tuổi ngao ngán tiếc nuối số vốn ông bỏ ra đầu tư chăn nuôi đàn gia cầm, tổng thiệt hại lên tới hơn 90 triệu đồng. Ông cho biết, nhà máy Sơn Hải Phòng số 2 thỉnh thoảng xả ra kênh mương có chất màu trắng, sau 3 ngày thì chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, lợi dụng lúc mưa to công ty Sơn xả thải toàn bộ ra ao đầm khiến chẳng ai nuôi trồng được gì nữa.
Theo tìm hiểu, KCN Tràng Duệ đi vào hoạt động từ năm 2010 với diện tích lên tới 600 héc ta, hiện tại KCN có hàng chục nhà máy đang hoạt động sản xuất, tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cứ vô tư xả thải khói bụi, nước thải ra môi trường xung quanh khiến người dân phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Ông Bùi Thế Long - Tổng giám đốc công ty cổ phẩn khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng, đơn vị quản lý KCN Tràng Duệ thừa nhận: KCN hiện nay chưa có hệ thống xử lý nước thải chung cho toàn bộ KCN. Khi được hỏi vì sao KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng KCN vẫn cho các doanh nghiệp vào xây dựng sản xuất, ông Long cho biết: Dự án phát triển KCN Tràng Duệ hiện nay mới chỉ đầu tư giai đoạn 1, KCN tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng đường nội bộ… đó là những công việc trước mắt.
Trong thời gian chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung (từ năm 2010 đến nay-PV) Ban quản lý KCN cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, yêu cầu doanh nghiệp đưa các sản phẩm có công đoạn cần xử lý nước thải tới đơn vị khác ngoài khu công nghiệp để xử lý, như : giặt, tẩy… Theo ông Long, KCN đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 1.500 m3/ngày đêm, tuy nhiên phải đến tháng 3 năm 2014 nhà máy xử lý nước thải này mới đi vào hoạt động.
Như vậy, trong lúc chờ nhà máy xử lý nước thải được xây dựng xong thì ngày ngày các doanh nghiệp vẫn không thể dừng sản xuất có phát sinh nước thải, người kêu thì vẫn kêu, người sản xuất vẫn sản xuất, các doanh nghiệp vẫn ngó lơ công tác bảo vệ môi trường, hệ quả là thiệt hại về sức khỏe, kinh tế dường như các doanh nghiệp trong KCN Tràng Duệ vẫn vô can.
Về phía công ty Hoàng Nam (doanh nghiệp sản xuất gỗ ép) ông Long cho biết, Ban quản lý KCN đã nhiều lần có ý kiến với doanh nghiệp xử lý triệt để hệ thống khí thải trước khi thải ra môi trường. Thế nhưng, không hiểu lý do gì đến nay công ty này vẫn chưa có động thái xử lý triệt để vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến cuộc sống của nhân dân phải lao đao vì khói?
Theo quy định, tất cả các nhà máy hoạt động ở KCN phải trải qua khâu thẩm định đánh giá tác động của môi trường trước khi vào hoạt động. Không hiểu vì lý do gì mà các công ty gây ô nhiễm nghiêm trọng vẫn hoạt động bình thường mà không hề bị cơ quan chuyên trách xử lý?
Ông Nguyễn Văn Sáng- chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Vụ mùa năm 2011 và 2012, hàng chục héc ta đất trồng lúa của người dân thôn Đồng Xuân thất thu vì nước thải gây ô nhiễm nguồn nước tưới. Không khí bị ô nhiễm do nhà máy sản xuất gỗ ép khiến nhân dân thôn Đồng Xuân luôn phải sống trong cảnh khói bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Địa phương đã phản ánh tới các cơ quan chuyên môn về tình trạng ô nhiễm của KCN Tràng Duệ, tuy nhiên tới nay mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ chưa có biến chuyển./.
Nguyễn Minh- Quốc Biên