Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại hội thảo
Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng tập trung hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng và đạt được những kết quả đáng khích lệ, trở thành một thành phố phát triển, xin ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ông Nguyễn Văn Thành: Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong 3 cực tăng trưởng quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là “cửa ngõ” ra biển của các tỉnh phía Bắc, là “trọng điểm” trong kế hoạch phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc... Với quyết tâm đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện thành công Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá là: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ lớn, có sức cạnh tranh cao”.
Từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV tới nay, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, cùng những biện pháp đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, KT-XH Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện với nhiều đột phá mới trên các lĩnh vực. Hải Phòng đã xác lập được vị trí một thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
Tốc độ tăng GRDP bình quân hàng năm của thành phố đạt 9,07%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, năm 2016 đạt tốc độ tăng 11% so với năm 2015, đặc biệt năm 2017 tăng 14,01%, năm 2018 ước đạt 16,25% so cùng kỳ (cao nhất từ trước đến nay, cao nhất cả nước). Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng tăng dần và cơ bản được duy trì theo đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát huy được tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu cả nước và cấp vùng. Hợp tác, liên kết về phát triển kinh tế trong và ngoài nước được tăng cường đáng kể, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, độ mở nền kinh tế thành phố ngày càng lớn.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không ngừng tăng trưởng. Giai đoạn 2011-2015 tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trên địa bàn đạt 206.694 tỷ đồng, tăng bình quân 8,81%/năm, chiếm hơn 40% GRDP. Năm 2016, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 56.382,6 tỷ đồng, tăng 14,91% so với năm 2015. Đến năm 2018, tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 96.435,9 tỷ đồng tạo sự khởi sắc trong phát triển KT-XH, đô thị của thành phố. Thu hút khách du lịch năm 2018 tăng đột biến, ước đạt trên 7,79 triệu lượt, tăng 16,18 %, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (mục tiêu đến năm 2020 đạt 7,5 triệu lượt khách). Thu nội địa năm 2018 ước đạt 24.365 tỷ đồng, tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 107% dự toán pháp lệnh Trung ương giao. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố hàng năm đều tăng cao. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu Hải Phòng đạt 6.524,4 triệu USD, tăng 22,18% so với năm 2016. Với đà tăng trưởng hiện nay, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng ước đạt 8.191,4 triệu USD, tăng 25,55% so với năm 2017.
Với hệ thống hạ tầng KT-XH phát triển, Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Xin ông cho biết những hành động trong việc kết nối chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp? Đặc biệt là việc Hải Phòng xây dựng chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”?
Ông Nguyễn Văn Thành: Với những bước đi, hành động quyết liệt, quyết tâm cao đẩy mạnh việc kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, chính quyền các cấp của thành phố luôn quan tâm, xem đây là điều kiện và tiền đề để thúc đẩy phát triển KTXH thành phố, tạo cơ sở thuận lợi để triển khai và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, cụ thể, thành phố tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu:
Một là, Tập trung cao và kiên quyết thực hiện cải cách hành chính. Thường xuyên rà soát và kịp thời sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính theo hướng giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý và giải quyết công tác hành chính; trang bị phương tiện phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao tính khách quan, trung thực, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh chóng.
Đ/c Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng tiếp và làm việc với đoàn Chính quyền tỉnh Kagawa(Nhật Bản)
Hai là, Hoàn thành Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng hình ảnh thành phố hấp dẫn, năng động: Phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố (phiên bản 1.0); Hoàn thành việc cung cấp đủ số lượng dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2016, 2017 trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Ba là, Tổ chức định kỳ Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng tháng và kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tiếp tục chọn Hải Phòng để đầu tư các dự án lớn. Năm 2018, tỷ trọng vốn ngoài nhà nước và FDI chiếm 84,8% tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Dự kiến năm 2018, thu hút FDI đạt 2,4 tỷ USD, tăng 140,77% so với cùng kỳ, vượt 91,67% so với kế hoạch năm (kế hoạch 1.200 triệu USD). Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đã đầu tư vào thành phố, có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố như: LGE; Fuji Xerox, các Công ty: Aurora, Nichias Hải Phòng, Rayho Việt Nam, Regina Meracal, Tập đoàn Fujita Corporation (Nhật Bản) triển khai dự án khách sạn 5 sao Nikko tổng số vốn 60 triệu USD; Tập đoàn McKinley (Hàn Quốc) cũng đã ký kết đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp, nhà máy điện mặt trời với trị giá đầu tư 4 tỷ USD…
Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 5/63 tỉnh, thành. Chỉ số đo lường hài lòng đối với sự phục vụ hành chính của thành phố đạt 88,92%, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2018, thành phố tiếp tục chọn chủ đề“Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” và triên khai nhiều giải pháp quan trọng như: Xác định tăng thu ngân sách là yếu tố quyết định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ đạo và các Tổ chống thất thu ngân sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, chống thất thu, thất thoát, nợ đọng thuế. Quản lý chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị trọng điểm, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa thành phố,…
Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Hoàn thành xây dựng Đề án một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 để trình HĐND thành phố thông qua. Hải Phòng tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đến năm 2020.
Hải Phòng đã đổi mới tư duy, tận dụng lợi thế tham gia vào tiến trình hội nhập. Ông có thể nêu cụ thể một số hoạt động thiết thực nhằm đáp ứng tốt sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp?
Ông NGuyễn Văn Thành: Trong những năm qua, Hải Phòng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có công tác hội nhập quốc tế và đã có những bước tiến tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển KTXH. Thành phố Hải Phòng đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển KTXH trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với mục tiêu chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011 - 2020 của cả nước; đồng thời hài hòa, đồng bộ với quy hoạch phát triển KTXH vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, nhằm phát huy tiềm năng lợi thế từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển chung.
Việc triển khai công tác hội nhập đã tác động tích cực đến việc tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng phúc lợi cho người dân và phát triển của doanh nghiệp. UBND TP.Hải Phòng, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ đề ra trong các chương trình, kế hoạch về hội nhập quốc tế, tạo sự thống nhất, gắn kết cần thiết trong việc triển khai công việc của các Sở, ngành, UBND quận, huyện.
Quan hệ đối ngoại được tăng cường và đạt hiệu quả tích cực, nhất là lĩnh vực xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Hải Phòng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA); chủ động đề xuất định hướng, biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định, luật lệ, chuẩn mực quốc tế.
Xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tôi tin tưởng, với sự quyết tâm thành phố Hải Phòng và sự chủ động của các doanh nghiệp, công tác hội nhập quốc tế của thành phố sẽ đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Duyên (thực hiện)