Theo đó, đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, tiếp nối các hoạt động văn hóa, lịch sử của thành phố Cảng, mà mới đây nhất là hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên).

Trao bằng công nhận lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc giaTrao bằng công nhận lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Ảnh: PV)

Các sự kiện văn hóa, lịch sử này lần nữa khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của thành phố Cảng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và có giá trị tôn vinh mảnh đất sản sinh ra bậc kỳ tài, uyên bác, lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, bậc sư biểu, danh nhân văn hóa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như bao người con tài danh, kiệt xuất khác.

Mở đầu chương trình lễ hội là màn lễ rước theo nghi thức truyền thống với sự tham gia của hơn 600 người qua lễ đài đến điểm tập kết là khu vực quảng trường tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đây là một trong những nghi thức truyền thống mô phỏng cảnh sinh hoạt cung đình xưa, nhằm bày tỏ lòng thành kính tri ân, suy tôn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cây đại thụ của thế kỷ 16.

Lễ rước này cũng chính là phần hồn của lễ hội, và là tiêu chí quan trọng để Lễ hội đền thờ Trạng Trình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đi đầu lễ rước là đội rồng tượng trưng cho sức mạnh oai hùng, mang lại tài lộc, hạnh phúc, ấm no. Tiếp đến là đội cờ hội - tượng trưng cho thuyết âm - dương ngũ hành; kiệu biểu tượng lễ hội và cờ hội thêu chữ “Trình Quốc Công” - nét văn hóa đặc trưng của Lễ hội đền Trạng Trình; theo sau đó là đội trống hội xã Cộng Hiền; đội rước kiệu hoa, kiệu hương, bài vị quan Trạng; các đội tế nam, tế nữ và con cháu Trạng Trình, các xã, thị trấn, giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo.Là một lễ hội xuất phát từ việc kỷ niệm ngày mất của danh nhân văn hóa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được tổ chức nhỏ trong phạm vi làng, xã, đến nay, lễ hội được tổ chức mở rộng, thành lễ hội cấp huyện, cấp thành phố.

Lễ hội mang đậm sắc thái cổ truyền nhưng trong quá trình vận động của lịch sử cũng tiếp thu yếu tố đương đại. Trong sự kiện trọng đại này, ngay sau màn lễ rước là nghi lễ gióng chiêng, trống hội - một nội dung có ý nghĩa đặc sắc nhất Lễ hội truyền thống đền Trạng - do các cụ cao tuổi thôn Trung Am đảm nhận; tiếp đó là màn trình diễn trống hội do Đội trống Vovinam Hải Phòng biểu diễn.

Cũng trong không khí trang trọng của lễ hội, các đại biểu cùng chính quyền địa phương và các cụ cao tuổi thôn Trung Am thành kính thắp nén tâm hương tri ân công đức to lớn của danh nhân văn hóa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tiếp theo là phần đọc Chúc văn tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm do Giáo sư Vũ Khiêu soạn thảo qua phần thể hiện của NSƯT Thanh Bình và nhóm nghệ sĩ Đoàn Chèo Hải Phòng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Khắc Nam- Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết: Thành phố Hải Phòng là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hoá mang đậm nét bản sắc dân tộc.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 1.134 di tích; trong đó có 482 di tích được xếp hạng các cấp, gồm: hai tích quốc gia đặc biệt, 113 di tích quốc gia và 367 di tích thành phố; có 474 lễ hội với các loại hình và 6 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cuối năm 2019 này, Lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nghệ thuật trình diễn dân gian - Múa rối nước Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo) được nhà nước vinh danh - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Việc đón nhận Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là niềm vinh dự, tự hào và ghi nhận đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Giá trị tư tưởng của lễ hội chính là bản sắc văn hóa riêng của Hải Phòng, do chính người dân Hải Phòng sản sinh, dựng nên, bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay.

Vũ Duyên