THCL - Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL10, đoạn từ Quán Toan đến Cầu Nghìn (TP. Hải Phòng) theo hình thức BOT vẫn còn nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chủ yếu tập trung tại huyện Vĩnh Bảo.
Vướng mắc vì chính quyền cũ... “làm liều”?
Tại huyện Vĩnh Bảo, dù đã chủ động tổ chức đối thoại với các hộ dân còn kiến nghị, tuy nhiên đến thời điểm này, còn hơn 200 hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng…
Theo phản ánh của người dân thì một số khu vực, từ năm 1993, các hộ dân được xã giao đất ở, có tham gia nộp nghĩa vụ tài chính với xã, có hóa đơn nộp tiền cho xã và đã được cấp GCNQSDĐ. Thời điểm đó, mặc dù không có thẩm quyền giao đất, nhưng xã vẫn giao đất cho các hộ dân và giao theo lô, chỉ đo chiều ngang theo nhu cầu của từng hộ dân (6m; 6,4m, 5m…) và được giao cách mép đường 10 cũ là 3m, không đo chiều dài và cũng không có số diện tích cụ thể.
Năm 1998, các hộ dân được UBND huyện Vĩnh Bảo làm GCNQSDĐ và được vẽ vào thửa đất là 26m lưu không. Theo người dân phản ánh thì, việc đo đạc để cấp GCNQSDĐ xã huyện tự làm, người dân không hề biết. Diện tích 26m lưu không tự vẽ vào GCNQSDĐ, UBND huyện Vĩnh Bảo trước nay không có quyết định thu hồi và cũng không bồi thường hay thông báo với các hộ dân. Do tin tưởng vào chính quyền, bà con cũng không kiểm tra lại GCNQSDĐ mà cất đi luôn.
Ông Vũ Đại Lượng, sinh sống tại khu Trạm lao, xã Vĩnh an (Vĩnh Bảo) cho biết: “Thời điểm đó, do không hề biết về việc đo đạc này và do thiếu trình độ hiểu biết nên chúng tôi không có thắc mắc gì về nội dung ghi trong GCNQSDĐ, vì đất chúng tôi vẫn sử dụng, không có tranh chấp gì. Đến khi dự án nâng cấp cải tạo đường 10 chạy qua, chúng tôi nhận được thông báo mới tá hỏa khi diện tích đất được lấy đi, được thông báo là đất công” (?!),
Khu Trạm lao, máy kéo tại xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Sang tên bìa, mất đất!
Ông Vũ Văn Thành, ngụ tại cụm dân cư số 7, xã Vĩnh An cho biết: "Năm 1993, ông Ích và ông Sáng ở Giang Biên (Vĩnh Bảo) nhận thi công trường học cho xã Vĩnh An, sau đó xã không có tiền trả công nên ông Ích đã nạp thêm tiền để mua lại đất và tài sản trên đất của Trạm lao, Vĩnh An theo xuất có mặt ngang là 10 m bám theo QL10 cũ, cách mép đường cũ là 3m, sau đó là đất ở (hiện tôi vẫn giữ biên lai thu tiền của ông Ích).
Sau này, ông Ích trả tiền công ông Sáng là lô đất này, ông Sáng chia làm 2 lô, mỗi lô 5m mặt đường QL10 bán cho gia đình tôi và gia đình bà Miễn, sau bà Miễn bán tiếp lô đất đó cho gia đình tôi. Năm 2008, tôi làm GCNQSDĐ sang tên mình, nhưng không hiểu vì lý do gì, diện tích từ 175m2, nay chỉ còn 132 m2, mất 43m2?
Tương tự, gia đình tôi mua của anh Hải xã Việt Tiến (Vĩnh Bảo), lô đất chiều ngang bám mặt QL 10 là 6m, cách mép đường 10 cũ là 3m, sau đó là đất ở. Năm 2008, khi tôi sang tên thì diện tích từ 207 m2, nay chỉ còn 159m2 mất 48 m2? Toàn bộ 3 lô đất đó, gia đình tôi được cấp GCNQSDĐ từ năm 1998 và nộp đầy đủ nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước.
Ngày 20/5/1994, phiếu thu ngân sách xã Vĩnh An số 48 có ghi nhận của ông Hoàng văn Ích số tiền 20 triệu đồng mua 2 xuất đất ở Trạm lao, trước nay chúng tôi vẫn nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Vậy nên, chúng tôi yên tâm, tiếp nhận đất, xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định trên thửa đất đó. Suốt thời gian sinh sống trên thửa đất, không cơ quan nào thông báo về việc chúng tôi sử dụng đất công. Nhưng nay, khi dự án vào thì lại thông báo là đất công và không bồi thường cho gia đình tôi?...
Đó là một trong số ít các hộ dân quyết liệt phản đối không chịu bàn giao mặt bằng. Bởi theo họ đó là đất họ sử dụng ổn định, không có tranh chấp, do việc làm tắc trách của chính quyền xã bấy giờ khiến họ mất trắng đất, không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ 30% tài sản trên đất (?).
Tìm hiểu về sự việc trên, PV có buổi làm việc với UBND xã Vĩnh An và lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo thì được biết, đúng là trước đây, tại địa phương này có việc giao đất trái thẩm quyền, không có diện tích cụ thể và đã thu tiền. Thêm vào đó là sự tắc trách - buông lỏng quản lý trong công tác quản lý đất đai của một bộ phận cán bộ dẫn đến việc người dân nghĩ rằng, diện tích đất công là đất của mình, sự thay đổi tim đường cũng như công nghệ máy móc còn hạn chế dẫn đến việc thiếu diện tích của người dân.
Thiết nghĩ, thắc mắc của người dân là hoàn toàn đúng. Đề nghị UBND huyện Vĩnh bảo sớm vào cuộc làm rõ, báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xem xét mức bồi thường, hỗ trợ hợp lý cho các hộ dân, tránh để khiếu kiện kéo dài, đảm bảo tiến dộ dự án.
Nhóm PV