Việc tạo môi trường thuận lợi thu hút các dự án đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, Đồ Sơn đang dần khắc phục được tính mùa vụ, trở thành mảnh ghép hoàn chỉnh của du lịch Hải Phòng.
Làn gió mới
Mùa hè năm 2022, du lịch Đồ Sơn đã có diện mạo mới. Nhờ sự kích hoạt toàn ngành du lịch TP Hải Phòng sau đại dịch Covid-19, 07 tháng qua, khu du lịch Đồ Sơn đã đón trên 1,4 triệu lượt khách thăm, tăng 209,49% so với cùng kỳ.
Theo bà Đặng Thúy Ngà - Giám đốc khách sạn Tecco, so với năm 2019 thì năm nay, khách du lịch đến với Đồ Sơn nhiều hơn, nhất là cuối tuần, khách sạn thường kín phòng. Nếu so với năm ngoái thì vào những tháng cao điểm, lượng khách phải tăng đến 300%. Về cơ sở vật chất, khách sạn có những trang thiết bị tốt hơn, sắm sửa thêm bàn ghế cho nhà hàng.
Trong những năm qua, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi, đường ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa đi qua Đồ Sơn sẽ đưa du khách đến với Hải Phòng, Đồ Sơn nhanh hơn, thuận tiện hơn. Các dự án này đã được Trung ương và TP. Hải Phòng đầu tư xây dựng với quy mô lớn, mang tầm chiến lược và có tác động tích cực đến phát triển du lịch Hải Phòng nói chung và du lịch Đồ Sơn nói riêng.
Ngoài những dự án đầu tư phát triển du lịch đã được triển khai, Đồ Sơn cũng đã và đang làm mới mình bằng những dự án, chương trình hoạt động khác lạ, sinh động, hấp dẫn; trong đó có dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2022. Các dự án này khắc phục những tồn tại, tính chất mùa vụ của du lịch Đồ Sơn, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ mát, vui chơi giải trí của du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Phạm Ngọc Tuân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Vạn Hương cho biết, năm 2022, khu du lịch quốc tế Đồi Rồng là dự án trọng điểm được Tập đoàn Geleximco tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự để triển khai với tốc độ nhanh nhất, đảm bảo tiến độ, thiết thực đóng góp vào sự phát triển du lịch của TP. Hải Phòng.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, ngoài các dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, năm nay, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn cũng sẽ có nhiều nét mới. Bên cạnh các nghi thức truyền thống của lễ hội, quận Đồ Sơn sẽ tổ chức các hoạt động bên lề như lồng ghép chương trình âm nhạc Bolero, âm nhạc EDM, âm nhạc đường phố và không gian mua sắm trong Hội chợ làng quê Việt... Qua đó, tiếp tục quảng bá xúc tiến phát triển du lịch, tạo cơ hội cho du khách được trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm OCOP…
Phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp, Hải Phòng cần tập trung phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có khả năng thu hút khách du lịch đến Hải Phòng bao gồm: Du lịch sinh thái, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển cao cấp tại quần đảo Cát Bà; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao (golf), dịch vụ casino tại bán đảo Đồ Sơn;
Đẩy mạnh loại hình du lịch MICE, mua sắm tại khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng; du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại khu vực ngoại thành… Bởi đây là những sản phẩm cần ưu tiên phát triển và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, có khả năng dẫn dắt, phát triển các sản phẩm du lịch khác.
Xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Hải Phòng trên cơ sở phát triển các sản phẩm ưu tiên nêu trên với một số định hướng cụ thể sau: Phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch khác biệt… Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon…).
Mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy, du lịch cộng đồng tại huyện Cát Hải.
Với những đặc trưng của đất đai, thổ nhưỡng, vị trí địa lý đã tạo cho Hải Phòng có những điều kiện để phát triển du lịch cả về đường bộ, đường biển, đường hàng không đều hết sức thuận lợi, đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống các tuyến, điểm du lịch quốc gia trọng điểm của Việt Nam.
Về đường biển, Hải Phòng là địa phương có ưu thế hơn hẳn các địa phương khác trong vùng Bắc Bộ để phát triển tuyến du lịch đường biển.
Về đường hàng không, Hải Phòng có sân bay Cát Bi là sân bay thứ hai của vùng Bắc Bộ, nối Hải Phòng với các thị trường khách du lịch trong cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đồng thời là cửa khẩu quốc tế nối liền du lịch Hải Phòng với Trung Quốc, Thái Lan bằng đường hàng không đáp ứng được việc vận chuyển hành khách bằng các máy bay lớn.
Về đường sắt, Hải Phòng được đầu tư, phát triển các tuyến đường sắt nối liền Hải Phòng đến Hà Nội và tiếp nối với tuyến đường sắt đi Lào Cai - Trung Quốc, đi Lạng Sơn – Trung Quốc và nối với tuyến đường sắt xuyên Việt Bắc - Nam.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Để du lịch có thể vươn cánh, Hải Phòng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có cơ chế đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực du lịch có chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ cao làm việc tại Hải Phòng.
Song song đó là nâng cao hiệu quả công tác tổ chức quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý ngành du lịch ở địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị, các đơn vị kinh doanh du lịch về vị trí, vai trò du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nâng cao hiệu quả sự hợp tác, phối hợp giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Cuối cùng, mặc dù đẩy mạnh phát triển nhưng ngành du lịch Hải Phòng vẫn phải luôn đảm bảo việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Những năm gần đây, cùng với Cát Bà, Đồ Sơn trở thành mũi nhọn của ngành “công nghiệp không khói” Hải Phòng. Nhiều dự án lớn được đầu tư đã đánh thức tiềm năng trù phú của miền đất này. Những con đường mới mở đưa du khách xuyên rừng, bám núi, lúc thấy biển dập dìu bên cạnh, khi biển lại ào ạt hiện ra phía trước, khiến du lịch Đồ Sơn càng thêm uyển chuyển.
Du khách biết đến Đồ Sơn không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà nơi đây còn là miền đất giàu bản sắc, nơi có những địa chỉ đỏ với những sự kiện lịch sử; di tích có giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử…Vùng đất này còn có những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa miền biển như lễ hội Đảo Dấu, lễ hội chọi trâu truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cùng nhiều sản phẩm đặc thù, đặc sản như táo Bàng La, chè xanh, chè Núi Ngọc, cá thu một nắng…
Tuy nhiên, để níu chân và tạo ấn tượng tốt với du khách, xây dựng Đồ Sơn trở thành đô thị du lịch, văn minh, hiện đại, quận Đồ Sơn cần phải nỗ lực hơn nữa, phát huy tiềm năng lợi thế, tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, nhằm hoàn chỉnh bức tranh du lịch Hải Phòng trong thời gian tới.
Theo ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, quận Đồ Sơn cần tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế, tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển du lịch với mục tiêu phấn đấu xây dựng quận Đồ Sơn trở thành đô thị du lịch, văn minh, hiện đại. Cùng với Cát Bà, Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết: “Để có thể quảng bá, thu hút khách du lịch, quận Đồ Sơn đề nghị Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động du lịch như Farmtrip để đưa các công ty lữ hành về với Đồ Sơn. Thông qua các công ty lữ hành, họ sẽ đưa du khách về với Đồ Sơn. Quận Đồ Sơn sẽ chủ động cùng các doanh nghiệp chung tay khai thác tiềm năng du lịch, tạo thương hiệu để du lịch Đồ Sơn luôn ấn tượng, đẹp trong lòng du khách”.
Cũng theo ông Tuấn, các đơn vị hiện đang kinh doanh du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn cần đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, xây mới. Đối với chính quyền địa phương từ quận đến phường cũng phải tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Đây là điều hết sức quan trọng để du khách đến với Đồ Sơn cảm nhận được điểm mới, nét mới ngay từ công tác quản lý.
Quang Anh