Hải Phòng: Khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Người chiến sĩ kiên trung - Hình 1

 Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án

Việc xây dựng Nhà tưởng niệm nhằm lưu giữ lại những kỷ vật vật chất và tinh thần, về công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và phong trào cách mạng, giai cấp CNLĐ của thành phố nói riêng. Đồng thời công trình cũng là sự tri ân, là nơi tưởng nhớ, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống của các thế hệ cán bộ, CNVCLĐ thành phố đối với vị Bí thư Thành ủy đầu tiên của thành phố Hải Phòng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Ủy viên Ban Chấp hành kỳ bộ Bắc kỳ và Bí thư Tỉnh bộ “Thanh niên” Hải Phòng, thành lập tổ chức Đảng đầu tiên ở địa phương. Với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hải Phòng, trong những năm tháng khó khăn, đồng chí đã cùng với những đảng viên khác bắt tay vào xây dựng tổ chức chính trị của giai cấp công nhân, đem đường lối của chủ nghĩa Mác – Lenin vào Hải Phòng, giác ngộ tầng lớp công nhân và quần chúng Hải Phòng về lý tưởng giành độc lập cho đất nước, xây dựng XHCN mới và anh dũng hy sinh tại Thành phố Hải Phòng. Đồng chí là người con ưu tú của dân tộc đã nêu cao tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của người chiến sĩ cộng sản trọn đời hi sinh về độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhà tưởng niệm hiện nay còn là nơi thờ chung đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Hồ Ngọc Lân, các anh hùng liệt sỹ và đồng bào bị chết trong chiến tranh. Toàn bộ khuôn viên Nhà tưởng niệm có diện tích  là 1.370m2; hiện không có bãi đỗ xe, nơi đón tiếp khách, địa điểm trồng cây lưu niệm, khu trưng bày, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, công nhân lao động, nhà vệ sinh chung.

Xuất phát từ nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đội ngũ công nhân lao động thành phố, theo đề nghị của Thành ủy Hải Phòng và Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất có diện tích 3 ha. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta đối với những người có công với đất nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau; đồng thời, thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2018).

Dự án đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thuộc Dự án nhóm B; là công trình văn hóa cấp III; với tổng mức đầu tư: 110,233 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa (không kể chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất đã chi từ ngân sách thành phố số tiền 37,664 tỷ).

Diện tích sử dụng đất cho dự án là 30.402m2 (3,04ha). Bao gồm các hạng mục: Cổng chính, cổng phụ, nhà bảo vệ, Ki-ốt dịch vụ, khu kỹ thuật, hồ sen, đền thờ, tả vu (soạn lễ), hữu vu (nhà trưng bày truyền thống), nhà bia, tứ trụ, bình phong, cột cờ, chòi cảnh quan, lầu hóa sớ, nhà làm việc Ban quản lý, miếu thờ Bà chúa Nam Phương, sân vườn tổng thể (bãi đỗ xe, vườn cây lưu niệm, giả sơn...) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến hoàn thành quý 3 năm 2018.

Chủ đầu tư dự  án là Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng. Nhà thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi: Công ty cổ phần xây dựng và bảo tồn công trình văn hóa.

Trước đó, ngày 01/02 tại Bảo tàng thành phố cũng khai mạc chương trình trưng bày chuyên đề kỉ niêm 88 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 110 nưm ngày sinh Nguyễn Đức Cảnh, chuyên đề “Nguyễn Đức Cảnh – Người chiến sĩ kiên trung”. Ngày 02/02, tại nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân, An Đồng, An Dương, Hải Phòng đã diễn ra lễ dâng hương kỷ niệ 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Cùng ngày (02/02), tại trung tâm hội nghị thành phố cũng diễn ra tọa đàm với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam”.

Quỳnh Nga