Theo đó, UBND TP. Hải Phòng giao các thành viên BCĐPTDL thành phố khẩn trương xây dựng các trương trình, kế hoạch triển khai cụ thể đối với ngành, lĩnh vực mình quản lý và phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2023; nâng cao tính chủ động, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu cho Trưởng BCĐPTDL thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong năm 2023.
Cụ thể:
Tăng cường đảm bảo trật tự kỷ cương đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ; cương quyết giải tỏa các hàng quán, sắp xếp, trả lại sự thông thoáng cho khu vực bãi biển công cộng; quản lý vỉa hè, lòng đường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự, ùn tắc giao thông; ngăn chặn và sử lý dứt điểm các đối tượng đeo bám, chèo kéo gây phiền hà cho khách du lịch, có biện phát hỗ trợ phù hợp đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo ANTT, xử lý nghiêm minh các vi phạm an toàn giao thông (ATGT), không để xảy ra tình trạng trộm cắp, cướp giật trên địa bàn; đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là tại các khu du lịch biển. Các địa phương có khu du lịch biển phải thường xuyên rà soát, kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, nhân lực và trang thiết bị cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại các bãi tắm công cộng trên địa bàn theo đúng quy định tại Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 13/9/2018 của UBND TP. Hải Phòng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về quản lý xe điện, tàu thủy du lịch, các dịch vụ vui chơi giải trí (mô tô nước, tàu lượn, bể bơi, đu quay, cầu trượt...); giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển khách du lịch, chở khách tại các bến tàu, bến phà, đò chở khách; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: phương tiện hết đăng kiểm, phương tiện thiếu thủ tục giấy tờ, không đủ các điều kiện về an toàn vận tải hành khách, phòng chống cháy nổ; neo đậu không đúng nơi quy định; chở quá số lượng khách theo quy định.
Lắp đặt bổ sung các điểm chỉ dẫn, hướng dẫn du lịch tại khu, điểm du lịch để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho khách tiếp cận các khu, điểm du lịch. Bố trí lực lượng tuần tra, chốt điểm 24/24h tại các vị trí trọng điểm như: bến tàu; điểm du lịch; khu du lịch; khu vui chơi giải trí tại đảo Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn,... bảo đảm ANTT, ATGT; triển khai kịp thời công tác CNCH khi có tình huống khẩn; tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các phương tiện thủy nội địa đáp ứng các quy định về vận chuyển khách du lịch qua lại giữa vịnh Lan Hạ (TP. Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; xây dựng tổ, thôn, xóm, khu phố văn minh; phát động các phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ du khách; mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu, điểm du lịch thực hiện niêm yết giá, chất lượng dịch vụ và bán đúng giá, chất lượng dịch vụ niêm yết; không để xảy ra tình trạng tùy tiện nâng giá, ép khách, gây sốt giá, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương.
Tăng cường kiểm tra và cương quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để tình trạng vi phạm trong các hoạt động du lịch xảy ra trên địa bàn, gây bức xúc cho khách du lịch. Duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin, phản hồi từ khách du lịch và người dân.
Tăng cường quản lý môi trường tự nhiên, cảnh quan tại các khu, điểm du lịch theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường điểm đến, đảm bảo môi trường trong sạch, tạo ấn tượng với khách du lịch; ưu tiên các nguồn lực để xử lý rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến điểm tham quan du lịch. Phát động phong trào đoàn, hội của địa phương thường xuyên thu dọn rác thải tại các khu vực công cộng của khu du lịch.
Tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đảm bảo các điều kiện theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc, nói không với chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm, thực hiện tốt các quy định về sử dụng hóa chất, chất phụ gia cho phép của Bộ Y tế; không tiêu thụ những sản phẩm không có nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu; chú trọng thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế; sử dụng nguồn nước bảo đảm theo quy định để chế biến thực phẩm; không để xảy ra tình trạng thực phẩm kém chất lượng trong các cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Quản lý chặt chẽ, không để tình trạng bán hải sản tươi sống, sơ chế và nấu nướng hải sản phục vụ ăn uống ngay trên bãi biển; gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Hải Phòng trên tất cả các nền tảng truyền thông, ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội; thường xuyên kiểm duyệt, xử lý thông tin, hoạt động tương tác của người dùng; định hướng, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực giới thiệu tiềm năng du lịch và quảng bá các khu, điểm du lịch của thành phố trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram... Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn và văn minh.
Lương Huệ