Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng tại Kế hoạch công tác năm 2023 và triển khai Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 27/11/2020 thực hiện Chương trình Đổi mới công nghệ TP. Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Điện từ và Tin học Hải Phòng tổ chức Hội thảo/trình diễn công nghệ, thiết bị chủ đề “Ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh tạo sức cạnh tranh đột phá cho doanh nghiệp”.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự xuất hiện của Internet vạn vật - đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Công nghệ số đã phá vỡ đáng kể các mô hình kinh doanh truyền thống. Trên thị trường, hiện nay cơ bản hình thành 2 nhóm nền tảng công nghệ chính, gồm: Nền tảng trao đổi và nền tảng sản xuất.
Với 2 nền tảng công nghệ này, các tổ chức cá nhân cần ứng dụng, khai thác chúng để phục vụ quá trình kinh doanh như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Đó là vấn đề mà bất kỳ nhà kinh doanh, nhà quản lý nào cũng muốn đạt được, vì trong thời gian qua, mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ phát triển và mang lại kết quả kinh doanh ngày một lớn mạnh và vượt trội so với kinh doanh truyền thống.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp các thông tin, định hướng chính sách, chiến lược, các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ số đối với doanh nghiệp trong kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Sen Quỳnh, PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng chia sẻ:
"Ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh không còn quá mới trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận công nghệ số không hề đơn giản. Doanh nghiệp phải thực sự thấy được lợi ích của chuyển đổi số đem lại cho họ.
Bản thân công nghệ số phải chứng minh là công cụ đắc lực để hoạt động kinh tế trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn thông qua đóng góp phần lớn vào sự gia tăng giá trị cho mọi sản phẩm khiến doanh nghiệp buộc phải nỗ lực thích ứng với công nghệ số.
Theo báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030 (tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020)".
Việc áp dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin để vững tin trong việc ra quyết định; nâng cao hiệu quả phối hợp trong sản xuất, kinh doanh và cơ hội hòa vào mạng lưới sản xuất, kinh doanh trong nước, khu vực và thế giới; giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ kinh doanh với các đối tác…
Và để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ số, nghiệp lựa chọn các nền tảng số và ứng dụng công nghệ thích hợp, cần có sự định hướng, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc của các viện, trường, các tổ chức, cá nhân liên quan. Các nội dung của hội thảo ngày hôm nay không chỉ hướng tới mục đích đó mà còn tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp trong chặng đường chuyển đổi số sắp tới.
Thông qua việc thảo luận và giới thiệu công nghệ bởi cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế số, về khoa học và công nghệ, cũng như các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, giải pháp và các chuyên gia về thương mại điện tử sẽ có nhiều thông tin công nghệ được trao đổi, nhiều giao dịch công nghệ được xem xét đầu tư.
Trong khuôn khổ hội thảo, cũng đồng thời diễn ra hoạt động trình diễn công nghệ số có thể áp dụng hiệu quả trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Quỳnh Nga