Hàng khóa xuất nhập khẩu được thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
Hàng khóa xuất nhập khẩu được thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn

Vượt chi tiêu thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2024, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn được giao chỉ tiêu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 5.000 tỷ đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao, Cục Hải quan Lạng Sơn cần thu về ít nhất 416 tỷ đồng mỗi tháng. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 173/KH-HQLS ngày 15/01/2024 về triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thu NSNN năm 2024. Giao chỉ tiêu thu NSNN năm 2024 cho các đơn vị Hải quan trực thuộc. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu NSNN theo Chỉ thị số 371/CT-TCHQ ngày 24/01/2024 của Tổng cục Hải quan. Theo dõi sát tình hình thu NSNN, các tác động ảnh hưởng đến thu NSNN như việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế, các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế… để kịp thời đề xuất báo cáo Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan.

Theo thông tin từ lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đơn vị luôn bám sát các kế hoạch, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, nhằm tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện kế hoạch thu NSNN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ địa bàn, tăng cường kỷ cương kỷ luật và quản lý nội ngành, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Đơn vị đã triển khai các hoạt động cải cách, phát triển và hiện đại hóa trọng tâm năm 2024 của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn theo Kế hoạch đã xây dựng. Ban hành hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá; bộ chỉ số đo lường các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa đến năm 2025 của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn. Trong năm 2024, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành các hoạt động theo lộ trình đã ban hành.

Với sự điều chỉnh kịp thời và cải cách mạnh mẽ, trung bình mỗi tháng, đơn vị đã thu được hơn 530 tỷ đồng. Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đến hết ngày 16/12/2024, đạt 7.212 tỷ đồng, bằng 144,25% so chỉ tiêu được giao và tăng 148% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch XNK có thuế trong năm tăng 37,64% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là nhóm mặt hàng phương tiện vận tải tăng 108,9% so với cùng kỳ, tổng số thu của mặt hàng này đạt 2.776,9 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số thu ngân sách toàn Cục. Ngoài ra, một số nhóm mặt hàng có đóng góp số thu lớn tăng cao so với cùng kỳ năm 2023: mặt hàng máy xúc, máy đào, máy ép cọc tăng 40,4%; mặt hàng máy móc, thiết bị tăng 40,4%; nhóm mặt hàng sắt thép và các sản phẩm từ thép tăng 17,6%.

Nỗ lực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Lạng Sơn đạt được thành công vượt bậc là sự cải cách liên tục trong thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu dễ dàng hơn trong quá trình thông quan hàng hóa. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các văn bản, quy định, chính sách pháp luật, chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan, các thủ tục hành chính… đến cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều cách thức như: niêm yết công khai tại trụ sở Cục và các Chi cục Hải quan; qua phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; phát tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền; thông qua các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cấp tỉnh, cấp Cục, cấp Chi cục; qua các hoạt động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Các chi cục hải quan đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp kho bãi để giảm chi phí logistics, cũng như cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thông quan.

Để giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ chủ động phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu đẩy mạnh công tác quản lý hàng hóa, chủ động rà soát nắm bắt thông tin thị trường, thông tin doanh nghiệp để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.

Hải quan Lạng Sơn tiếp tục duy trì, đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm xây dựng và thực thi hiệu quả, hiệu lực chính sách, pháp luật về hải quan, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm, đã tổ chức thành công 1 Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp cấp Cục. Triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản cho cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn lãng, tỉnh Lạng Sơn
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn lãng, tỉnh Lạng Sơn

Để tăng cường xây dựng, hiện đại hóa hải quan, Hải quan Lạng Sơn luôn chú trọng phát triển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ. Bên cạnh duy trì đảm bảo hoạt động hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm cả các ứng dụng nghiệp vụ trong toàn Cục, Hải quan Lạng Sơn tiếp tục vận hành có hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, hệ thống vệ tinh E-Customs, GTT22, KTTT... với toàn bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện, bảo đảm vận hành 24/7 với 99% thủ tục hải quan được thực hiện qua hệ thống này, ngoại trừ thủ tục đối với hàng hóa cư dân biên giới. Đơn vị cũng triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống của Tổng cục Hải quan đã triển khai ở cấp độ 3, cấp độ 4 và thông quan tự động 24/7; Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN... đều được kết nối vận hành tới tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng giám sát việc áp mã số hàng hóa xuất nhập khẩu, là công cụ để hỗ trợ phát hiện các sai phạm liên quan đến một mặt hàng nhiều mã số HS. Xây dựng thành công công cụ kiểm soát khai báo C/O nhằm loại trừ các giấy chứng nhận xuất xứ được sử dụng lại. Song song với vận hành thủ tục hải quan trên hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan, Cục đã triển khai một số nhiệm vụ trên nền tảng Cửa khẩu số Lạng Sơn. Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành rà soát, hoàn thiện các yêu cầu nghiệp vụ để triển khai Đề án tái thiết kế Hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan, hướng tới xây dựng hải quan số và mô hình hải quan số,hải quan thông minh.

Với những nỗ lực trong nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, Cục Hải quan Lạng Sơn đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và phát kinh tế của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung. Tính đến ngày 16/12/2024 tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập đạt 62,4 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 5,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử VNACCS/VCIS là 4.177 doanh nghiệp, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tờ khai làm thủ tục là 152.928 tờ khai, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Triệu Thành