Trong 1.598 vụ vi phạm trên, có 27 vụ buôn lậu, 164 vụ gian lận thương mại, 1.335 vụ vi phạm hành chính, 22 vụ liên quan đến ma tuý và 50 vụ vi phạm khác. So với năm 2016, số vụ vi phạm tăng 6,3% nhưng giảm 72,2% về trị giá; còn so với năm 2015 thì số vụ vi phạm giảm 30% giá trị hàng hóa vi phạm tăng đến 49,6%.
Báo cáo cho biết, cơ quan hải quan đã khởi tố 18 vụ, tăng 450% so với số vụ thực hiện năm 2016. Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 khởi tố 8 vụ; Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khởi tố 9 vụ; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 khởi tố 1 vụ.
Trong năm, Cục Hải quan TP. HCM cũng đã chuyển 12 vụ tồn từ tháng 9/2016 sang cơ quan công an và Viện Kiểm sát thụ lý giải quyết theo quy định.
Một lô quần áo nhập lậu bị hải quan bắt giữ tại cảng Cát Lái (Ảnh: Báo Hải Quan)
Theo nhận định của cơ quan chức năng, TP. HCM là địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm thuộc cảng biển, cảng hàng không... các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thông thoáng như phân luồng tự động để buôn lậu hàng hoá có giá trị cao, xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện với thủ đoạn tinh vi; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng…
Trong thời gian tới, Cục Hải quan TP. HCM sẽ tăng cường phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn như công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, các đơn vị trên địa bàn cảng biển, cảng hàng không nhằm chia sẻ thông tin, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu – gian lận thương mại; hỗ trợ cùng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, thu thập thông tin, kịp thời góp ý những bất cập trong cơ chế chính sách; xây dựng kế hoạch địa bàn trọng điểm đối với các mặt hàng nhạy cảm, có nguy cơ gian lận cao, tăng cường năng lực công tác quản lý rủi ro, kịp thời cập nhật các thông tin vi phạm vào tiêu chí quản lý rủi ro; đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế.
Bảo Trần