Trong giai đoạn 2019-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Hưng Yên đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung hợp tác trên 8 lĩnh vực với 14 nội dung, nhiệm vụ cụ thể từ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Dù đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của mỗi địa phương, tuy nhiên, các nội dung phối hợp chủ yếu là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chưa có nhiều nội dung hợp tác có hiệu quả cao và kết quả cụ thể.
Phát biểu tại hội nghị hợp tác mới này, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch tỉnh Hải Dương cũng nêu đề xuất về phương hướng hợp tác phát triển giữa hai địa phương trong giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, 2 bên sẽ tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hợp tác trên nhiều nội dung, lĩnh vực.
Ngoài ra, 2 tỉnh tăng cường trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng tổ chức, bộ máy, biên chế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ; quản lý truyền thông, báo chí; công tác dân vận; kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, hai tỉnh có thể nghiên cứu hợp tác, phát triển ở 6 lĩnh vực bao gồm hợp tác triển khai cơ chế, chính sách của Trung ương và phát triển liên kết vùng; hợp tác, đầu tư phát triển giao thông vận tải; hợp tác về phát triển, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; hợp tác trong công tác thu hút đầu tư, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; hợp tác về phát triển văn hóa, xã hội và du lịch; hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan có cơ chế quản lý, cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải; triển khai xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đê và nạo vét các tuyến sông có đê thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, nhằm đảm bảo yêu cầu phòng chống lũ, tăng cường kết nối giao thông đường thủy, phát triển giao thông đường bộ. Sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp đê tả sông Luộc (đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương), để kết nối đồng bộ với dự án cải tạo mặt đê tả sông Luộc của tỉnh Hưng Yên đã đầu tư…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với những đánh giá hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Vượt lên những khó khăn do dịch bệnh, biến động tình hình thế giới, trong nước, với tinh thần đoàn kết, thống nhất hai địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hợp tác phát triển. Đây là cơ sở để hai tỉnh nâng tầm hợp tác trong thời gian tới theo hướng cụ thể hoá các nội dung phối hợp.
Từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên mong muốn hai địa phương đoàn kết, thống nhất trong các mục tiêu chung bằng việc quyết tâm thực hiện nghiêm túc, đưa nội dung hợp tác phát triển vào thực tiễn. Có như vậy sự hợp tác giữa hai tỉnh mới thật sự bền chặt, đem lại cả lợi ích chung và riêng.
Bùi Tú