Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ internet.

Trong cơ cấu các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 86,4% trong khi tôm sú chiếm chỉ 2,9%.

Trong quý I/2022, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 56% trong khi tôm sú giảm 14%. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhất 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng lớn thứ ba của Việt Nam (sau Mỹ và Nhật Bản). Quý đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn tiếp tục ưu tiên đặt hàng tôm chân trắng từ Việt Nam với những sản phẩm nổi bật như: Tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi, đông lạnh, tôm chân trắng sushi xẻ bướm tươi, đông lạnh, tôm chân trắng nhúng PD đông lạnh. Ngoài ra, thị trường này cũng nhập khẩu tôm sú PTO xẻ bướm tươi, đông lạnh và tôm sắt PD đông lạnh từ Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất tôm chân trắng sang Hàn Quốc lần lượt là Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods - F17, Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản và XNK Ngọc Trinh Bạc Liêu, Công ty cổ phần Tôm Miền Nam…

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 44,5% trong khi các đối thủ khác (Canada chiếm 10,9%, Ecuador 9,5%, Trung Quốc 8,1%). Trên thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam không phải cạnh tranh nhiều với tôm từ các nguồn cung cấp khác.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ trợ lực từ các Hiệp định Thương mại với Hàn Quốc như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 01/2022.

Hà Trần (t/h)