Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thông tin về tình trạng tồn đọng container phế liệu, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 31/1/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).

Việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp từ 600.000-800.000 USD/ngày.

Hàng chục ngàn container phế liệu tồn đọng đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp - Hình 1

Hàng ngàn container phế liệu đang ùn ứ tại cảng Cát Lái

Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối giao hàng hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.

Mới đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tài chính, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan trong khi chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ thống nhất thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng: Đơn vị giám định độc lập được Bộ TN-MT chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu.

Đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN-MT ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14-9-2018 của Bộ TN-MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Lợi dụng kẽ hở, qua mặt hải quan

Trong năm 2018, lực lượng hải quan đã điều tra hành vi sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép tổng cộng trên 22.300 tấn phế liệu, trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Số phế liệu này từ nước ngoài nhập qua các cảng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM để vào Việt Nam. Hiện nay, tại các cảng vẫn còn khoảng 3.000 container phế liệu vô chủ.

Tổng cục Hải quan cho biết cũng trong năm 2018, cơ quan chức năng  đã khởi tố nhiều doanh nghiệp và nhiều đối tượng liên quan đến hành vi nhập khẩu phế liệu trái phép.

Điển hình như vụ 10.000 container phế liệu nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 4 bị can. Kết quả điều tra có đủ căn cứ xác định DNTN Sản xuất bao bì Trường Thịnh (địa chỉ tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) do Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc và Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (địa chỉ tại phường 4, quận 4, TP HCM) do ông Lê Hữu Thiêm làm giám đốc và Dương Tuấn Anh là quản lý điều hành, có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đánh giá vấn đề nhức nhối năm qua là tình trạng làm giả hồ sơ ngày càng phức tạp, nhất là hồ sơ nhập khẩu phế liệu. Những tháng cuối năm, tình hình nhập khẩu phế liệu càng "nóng". Chủ doanh nghiệp "ma" dùng chứng minh thư của người khác, thậm chí là của người đã chết, người khuyết tật... để đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong trường hợp nhập trót lọt thì có thể ung dung kiếm lời, còn bị phát giác thì cơ quan chức năng cũng rất khó truy ra chủ thực sự. Trách nhiệm đầu tiên trong việc để doanh nghiệp "ma" hoạt động thuộc về cơ quan ngành TN-MT.

Theo phân tích của ông Quang, ngành TN-MT là cơ quan cấp các loại giấy tờ để doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhưng chưa làm hết trách nhiệm trong việc thẩm định tiêu chuẩn môi trường đối với từng lô hàng. Bên cạnh đó, phía cơ quan TN-MT yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu chỉ phải cung cấp cho hải quan các loại giấy tờ photocopy, đây là kẽ hở mà phía hải quan cho rằng rất dễ bị qua mặt.

Hải Đăng