Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (31/5), báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho thấy, bên cạnh các sản phẩm thương hiệu của Nhật Bản, nhiều thương hiệu lớn của các nước khác cũng đang bị làm giả, làm nhái được bày bán tràn lan.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, chi cục quản lý thị trường TP.HCM cũng đã kiểm tra 198 vụ hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như quần áo, giày dép thương hiệu Chanel, Louis Vuitton, Tommy Hilfiger, Lacoste, Nike, Adidas, Ck, Gap, Polo; đồng hồ Chanel, Rolex, Piaget, Muller, Omega, Gucci; bia Tiger, mắt kính Rayban; máy mài, máy khoan Bosch.

Hàng giả các thương hiệu Nhật Bản bày bán tràn lan tại Việt Nam - Hình 1

Hàng thật của Nhật được trưng bày để đối chứng với hàng giả

Trước tình trạng hàng hóa bị làm giả, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại và chia sẻ về tình trạng hàng hóa của họ phải đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu Nhật ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Đại diện Công ty Wacoal cho biết, nhiều sản phẩm trang phục lót phụ nữ giả nhãn hiệu Wacoal được bày bán nhiều tại các chợ truyền thống. Những sản phẩm kém chất lượng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, thậm chí có chứa chất gây ung thư.

Ông Hideki Katano, đại diện Công ty ASICS cũng cho biết, nhiều sản phẩm phụ kiện thể thao, giày, balo, quần áo thể thao của hãng bị làm giả có nguyên liệu và cấu tạo khác nên lực giảm sốc kém, độ bền thấp và dễ dẫn đến chấn thương cho người sử dụng.

Ngoài ra, các sản phẩm đồng hồ đeo tay, điện gia dụng của Công ty Casio và Công ty Panasonic cũng bị làm giả.

Theo đại diện Công ty TNHH Anh Khuê Sài Gòn - nhà phân phối chính thức và bảo hành duy nhất đồng hồ Casio tại Việt Nam: “Để chống tình trạng tem bị làm giả, công ty đã tiến hành dán tem chống hàng giả với nhiều hiệu ứng khác nhau lên các sản phẩm chính hãng.

Mặc dù hàng giả đánh vào tâm lý người tiêu dùng ham rẻ nhưng lại có nhiều nguy cơ mà sau đó khách phải trả nhiều chi phí hơn. Vì các sản phẩm giả không có chế độ bảo hành, chất lượng kém, dễ hỏng, nguy cơ cháy nổ cao”.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam cùng đẩy lùi tình trạng hàng giả thương hiệu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Hoan Nguyễn