Ảnh minh họa
Theo báo cáo Trade in Counterfeit ICT Goods của OECD, gần 20% smartphone và gần 25% máy chơi game được bán trên thị trường hiện nay là hàng giả!.
Không chỉ là những sản phẩm nguyên chiếc, nhiều bộ phận, linh kiện điện tử giả mạo cũng đang được tiêu thụ nên có thể tỷ lệ hàng giả còn cao hơn con số mà OECD đưa ra. Pin, bộ sạc, thẻ nhớ của smartphone, thẻ từ, ổ cứng và máy nghe nhạc là những thiết bị bị làm giả nhiều nhất hiện nay. Ngoài ra còn có bóng bán dẫn, bản mạch in… cũng đang bị làm giả.
Theo số liệu thống kê năm 2013, giá trị hàng giả ICT vào khoảng 143 tỷ USD. Tuy nhiên đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi số tiền này mới chỉ tính toán dựa trên số lượng hàng giả bị hải quan bắt giữ. Gần 2/3 số hàng giả được vận chuyển bằng dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh khiến quá trình phát hiện và sàng lọc khó khăn hơn.
Trung Quốc được coi là nơi sản xuất nguồn hàng ICT giả chủ yếu hiện nay và các hãng công nghệ Mỹ được xác định là những hãng bị thiệt hại nhiều nhất từ hàng giả (mất doanh thu và ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu). Gần 43% hàng hóa ICT giả mạo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ. Đứng sau Mỹ là Phần Lan và Nhật Bản.
Trong báo cáo của mình, OECD một lần nữa khẳng định tình trạng gia tăng hàng giả trong lĩnh vực phần cứng và phần mềm đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà sản xuất cũng như khách hàng, với cả nền tài chính công do thất thoát thuế.
Với người dùng, khi mua phải hàng giả sẽ gia tăng nguy cơ về an toàn, sức khỏe. Ví dụ như những chiếc điện thoại di động giả có thể chứa nhiều chất nguy hại hơn mức cho phép đối với sức khỏe của con người (nhiều chì và Cadmium hơn) trong khi những chiếc sạc giả mạo có thể làm tăng nguy cơ cháy nổ và bị điện giật.
Vì vậy, khi quyết định mua một chiếc smartphone mới hay bất kỳ một thiết bị điện tử nào, hãy cân nhắc kỹ nơi mua để đảm bảo nguồn gốc hàng là chính hãng.
Theo Telecomasia