Nổi bật nhất là dự án Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN. Dự tính khi hoàn thành, các doanh nghiệp có thể xử lý 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, giá trị giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ Nhân dân tệ (280 triệu USD).

Dự án đã chính thức đi vào đầu tư giai đoạn 2, nằm gần ga xe lửa Bắc Hà Khẩu, chỉ cách Hà Nội 295km và được đánh giá là rất thuận lợi cho việc vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa trong nước và xuyên biên giới.

Nhiều chủ kinh doanh hàng hoá có nguồn gốc Trung Quốc trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop cho biết, thời gian chuyển hàng từ Trung Quốc về đến Hà Nội thường chỉ mất 3 ngày.

Đáng chú ý, thời gian phân loại hàng của Trung Quốc chỉ mất khoảng 1 ngày. Ngược lại, thời gian gửi hàng từ TP. Hồ Chí Minh ra phía Bắc có khi mất gần 1 tuần.

Hàng Trung Quốc có lợi thế vô cùng lớn nhờ hệ thống kho bãi, vận chuyển hiện đại
Hàng Trung Quốc có lợi thế vô lớn nhờ hệ thống kho bãi, vận chuyển hiện đại

Đó là lợi thế lớn để hàng Trung Quốc có thể dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam, tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh cùng hàng nội địa, bên cạnh các lợi thế có sẵn như giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng.

Theo nhiều chuyên gia, nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, điện tử... đang chịu sức ép vô cùng lớn khi cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử trong thời gian tới khi các dự án tổng kho thương mại điện tử gần biên giới Việt - Trung của Trung Quốc hoàn thành.

Trong bối cảnh đó, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc duy trì sản phẩm chất lượng tốt cần chú ý đến nhiều khâu khác. Đặc biệt là trong chiến lược và mô hình kinh doanh, kết hợp với tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm, chuyên gia thương mại điện tử Đỗ Quang Huy cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh truyền thông, thông qua các nhóm người nổi tiếng, ảnh hưởng trên mạng xã hội (thường được gọi là KOL/KOC) kết hợp bán hàng bằng livestream để định hướng người dùng, giữ thị phần trước áp lực cạnh tranh không hề nhỏ từ hàng hóa Trung Quốc.

Doanh nghiệp cũng cần phát huy lợi thế về bản sắc văn hóa, tạo ra những mặt hàng thế mạnh dành cho người Việt.

Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh truyền thông, thông qua các nhóm người nổi tiếng, ảnh hưởng trên mạng xã hội... 

Theo chiều ngược lại, các nhà bán hàng trong nước cũng có thể tận dụng hệ thống kho hàng nói trên để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để trợ giúp các doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh khuyến nghị, Nhà nước cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Về lâu dài, hệ thống logistics, kho bãi trong nước cần phát triển theo để hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh. Thực tế, câu chuyện nhiều đơn vị vận chuyển bị quá tải vào thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, lượng đơn hàng tăng vọt trong các dịp lễ Tết đang làm dư luận đặt ra câu hỏi về năng lực của ngành logistic Việt Nam.

Hiện hệ thống này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó, tại nhiều cửa khẩu chưa có hệ thống kho bãi chuyên dụng để lưu giữ hàng hóa, bảo quản theo chế độ đặc biệt (như hóa chất, hàng đông lạnh).

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, các thủ tục hải quan cũng còn gây nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, nhiều chi phí phát sinh trong khâu này cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước trên chính sân nhà.

T. Hươn g (Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/)