Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh:

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Những năm qua, thực trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, gần đây, do ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các lực lượng thực thi. Các đối tượng đã lợi dụng tình hình này để thực hiện các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, thực trạng kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử (facebook, zalo…) ngày càng diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Cơ quan thực thi cũng đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, đầu tư về kiến thức, công nghệ để bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử. Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm lớn, bắt giữ nhiều kho hàng tại nhiều địa phương chứa lượng lớn hàng hóa vi phạm, với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô tính chất và địa bàn. Các mặt hàng giả ngày càng đa dạng, từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Hàng giả là vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. 

Cuộc đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là của toàn khu vực và thế giới. Không còn là trách nhiệm của một ngành mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và đã có nhiều chỉ đạo để đẩy lùi vấn nạn này.

Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống vấn lại này và đã đạt những kết quả tích cực.

Hiệp hội VATAP cũng đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp hội viên tới các cơ quan thực thi để can thiệp, xử lý. Hiệp hội đề nghị các lực lượng chức năng, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lực lượng thực thi phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hiệp hội VATAP cũng kêu gọi các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.

Phó TBT Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Nguyễn Tiến Dũng
Phó tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Nguyễn Tiến Dũng

Phó tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Nguyễn Tiến Dũng:

Nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhưng vấn nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, tác động xấu tới toàn xã hội.

Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh mẽ trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, khai báo gian dối vẫn diễn biến khó lường.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên trước hết là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. 

Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại cần tăng cường công tác truyền thông rộng rãi về tác hại của hàng giả. Cùng hành động, không bao che, không tiếp tay, không sử dụng hàng giả, hàng nhái - đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Các doanh nghiệp sản xuất cần tuyên truyền để người dân nhận biết hàng thật hàng giả, có trách nhiệm phối hợp, phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái, thường xuyên giám sát việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Các lực lượng chức năng cần tham mưu, sửa đổi quy định không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; nắm bắt tình hình, chỉ đạo quyết liệt, xây dựng phương án bắt giữ những đối tượng cầm đầu sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Đội kiểm soát chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)
Đại diện Đội Kiểm soát chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Nguyễn Xuân Khương

Đại diện Đội Kiểm soát chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Nguyễn Xuân Khương:

Tăng cường công tác phối hợp

Trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách nhằm hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Hành vi gian lận này đã khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Lực lượng hải quan với chức năng nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thời gian qua đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo nhãn hiệu xuất xứ, bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Ngành hải quan đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm đó là: Nhập hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam và dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam sau đó nhập khẩu hoặc doanh nghiệp có dây chuyền máy móc, nhưng sản phẩm không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam, các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Việt Nam” hoặc sản xuất tại Việt Nam trên sản phẩm, bao bì sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp khai nhập khẩu các loại linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, nhưng thực chất là sản phẩm gần như hoàn chỉnh, không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định.

Doanh nghiệp không có chức năng cấp C/O, nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O để cung cấp cho doanh nghiệp khác xuất khẩu.

Một số đối tượng lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hóa nhập khẩu; hàng hóa quá cảnh; hàng nhập qua đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hóa vi phạm và hàng hóa không vi phạm để nhập lậu.

Để đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công chức hải quan; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phối hợp tốt trong hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động kết nối trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á Thái Bình Dương để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng thường trực BCĐ 389 QG
Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Thị Minh Thủy

Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Thị Minh Thủy:

Cần thiết nâng mức chế tài xử lý

Dự báo thời gian tới, tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ tiêu dùng.

Để đấu tranh hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa; cần nâng cao có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đủ sức răng đe để các tổ chức, cá nhân không giám, không muốn và không thể sản xuất kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng thực thi một cách đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo. Đề xuất kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu,  hàng giả, gian lận thương mại, nhất là dịp cuối năm.

Ông Trịnh Ngọc Ban, Phó Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hà Nội)
Phó đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), Trịnh Ngọc Ban

Phó đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), Trịnh Ngọc Ban:

Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát

Từ đầu năm 2021 đến nay, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội đã chỉ đạo tới tất cả các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng (quản lý thị trường, công an…) đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trên địa bàn Thành phố, những vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại thường diễn ra tại khu vực cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài và Chi cục chuyển phát nhanh. Hành vi vi phạm như các đối tượng lợi dụng cá nhân, tổ chức gửi hàng từ nước ngoài về Việt Nam, trong đó, chủ yếu là hàng cấm, ma túy, thực phẩm chức năng, súng đồ chơi trẻ em…

Trước tình hình đó, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp các lực lượng thực thi triển khai đấu tranh bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại.

Để đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, dần đẩy lùi vấn nạn này cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, người dân nắm bắt kiến thức, nâng cao hiểu biết về tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, từ đó phối hợp chặt chẽ với lực lượng thực thi trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác đấu tranh, đồng bộ chống buôn lậu, hàng giả.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, tránh chồng chéo; nâng cao chế tài xử lý, tạo sức răn đe để các đối tượng không giám vi phạm.

Ông Hứa Quang Vinh, PGĐ Ban phát triển thị trường 2, Công ty CP Nhựa Tiền Phong
Phó giám đốc Ban phát triển thị trường 2, Công ty CP Nhựa tiền phong, Hứa Quang Vinh

Phó giám đốc Ban phát triển thị trường 2, Công ty CP Nhựa tiền phong, Hứa Quang Vinh:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục

Thời gian qua, tình trạng sản phẩm nhựa Tiền Phong bị làm giả, làm nhái đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất, hệ thống phân phối sản phẩm và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Các sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái chủ yếu tập trung ở các sản phẩm ống và phụ kiện nhựa PVC, PPR. Các sản phẩm làm giả thường nhập từ Trung Quốc bằng hình thức đặt hàng theo mẫu mã của bất kỳ thương hiệu nào, sau đó các sản phẩm hàng giả được tập kết tại các kho gần biên giới cửa khẩu và thông qua các đường tiểu ngạch, nhập lậu đưa vào Việt Nam để tiêu thụ. Hầu hết các sản phẩm giả đều có mẫu mã đẹp, giống hệt sản phẩm hàng thật,  nhưng có chất lượng kém hơn và giá thành rẻ hơn, người tiêu dùng khó có thể phát hiện đâu là hàng thật, hàng giả.

Công ty luôn có ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm của đơn vị mình. Đơn vị đã thành lập bộ phận chống hàng giả gần 10 năm nay và doanh nghiệp cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để chống hàng giả, doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, thay đổi công nghệ để các đối tượng khó làm giả khó có thể làm hàng giả.

Hiện nay, công tác đấu tranh chống hàng giả chưa được như kỳ vọng vì do: Các lực lượng chức năng thiếu quyết liệt trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát, thậm chí có hiện tượng “bảo kê” cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chỉ mang tính hình thức, thiếu sức ran đe, dẫn đến các đối tượng sản xuất hàng giả sẵn sàng vi phạm (vì lợi nhuận mang lại lớn hơn nhiều so với số tiền bị xử lý hành chính).

Do đó, để tạo sức răn đe, cơ quan chức năng cần hoàn thiện, tăng chế tài xử lý. Tuyên truyền, giáo dục thường xuyên cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Xây dựng một quy định cụ thể, chi tiết về việc xác định xâm phạm quyền về sản phẩm, để các đơn vị, doanh nghiệp có cơ sở áp dụng...

Nguyễn Kiên (Ghi)

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)