Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hàng loạt vụ tai nạn lao động tại các công trường xây dựng: Thảm họa của sự bất cẩn

Hàng loạt vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng diễn ra trên địa bàn TP.HCM, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng gây chết người đã xảy ra. Tuy nhiên đến nay đa số các vụ tai nạn lao động vẫn chưa được xử lý nghiêm khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp có suy nghĩ nếu lỡ xảy ra tai nạn lao động thì có thể dùng tiền bồi thường...

Phó mặc sinh, tử

Hàng loạt vụ tai nạn lao động tại các công trường xây dựng: Thảm họa của sự bất cẩn - Hình 1

Công trình Trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes. (Ảnh: Zing.vn)

Mới đây nhất vụ sập giàn giáo công trình căn hộ Saigonhomes khiến 2 công nhân bị thiệt mạng, Trong lúc làm việc ở tầng 10, giàn giáo bất ngờ đổ sập khiến ông Hà Văn Khoa (58 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và bà Nguyễn Thị Quắng (59 tuổi, quê Trà Vinh) rơi xuống đất. Cả 2 nạn nhân được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Sau sự cố, lực lượng chức năng quận Bình Tân phối hợp cùng các lực lượng liên quan đã phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc.

Hàng loạt vụ tai nạn lao động tại các công trường xây dựng: Thảm họa của sự bất cẩn - Hình 2

Ván gỗ chọc thủng mái tôn nhà số 66, phường Phú Thọ Hoà. Ảnh: An Huy

Được biết, công trình Saigonhomes rộng gần 6.000 m2, cao 17 tầng do Công ty TNHH Nhà Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án là khu phức hợp căn hộ và khu dân cư nhà phố hiện đại nằm ngay trung tâm khu vực phía tây TP.HCM. Dự án này được giới thiệu là cao cấp và đầy đủ như hồ bơi, siêu thị, phòng gym.

Trước đó vào ngày 9/9, trong lúc tháo cốp pha tại công trình xây dựng số 68 Văn Cao (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM), các thợ xây bất cẩn khiến một tấm ván gỗ dài khoảng 5m có nhiều đinh nhọn từ tầng 4 công trình rơi xuống.

Sự cố khiến mái tôn nhà dân bị xuyên thủng, khoét một lỗ rộng, phông trần nhà vỡ tung, một số vật dụng trong nhà bị hư hỏng. Theo chủ nhà, khi gỗ lao xuống chỉ có một người trong nhà và may mắn cách xa vị trí tấm gỗ rơi nên không bị thương. Ngay sau đó, chủ nhà đã gọi điện thoại báo công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM và đợi chủ đầu tư công trình cao ốc cùng cơ quan chức năng đến xử lý.

Hàng loạt vụ tai nạn lao động tại các công trường xây dựng: Thảm họa của sự bất cẩn - Hình 3

Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp, dịch vụ thương mại Richmond City, tại 207C (địa chỉ cũ 97/5B) Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh.

 Trước đó, vào ngày 29/8, giàn giáo tại dự án Richmond City, 79/5B Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. HCM, do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) là tổng thầu thi công; Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu (Công ty Bình Triệu) làm chủ đầu tư đã rơi từ tầng 20, làm sập mái nhà 4 hộ dân.  Sự việc không gây thương vong về người, nhưng đã làm thủng mái tôn, để lại tâm lý hoang mang cho những người dân sinh sống tại khu vực gần công trình.

Không chỉ rơi giàn giáo, các hộ dân tại hẻm 201, 209 gần dự án vẫn đang sống trong sự lo lắng ngày và đêm. Từ khi dự án được thi công (năm 2016) đã gây ra các vết nứt nhỏ trên tường, sau đó vết nứt xuất hiện càng nhiều và lớn cùng với tiến độ công trình. Không chỉ  tường nhà bị nứt, nền gạch bung, lún móng nhà…ngày càng nghiêm trọng.

Theo một hộ dân có nhà bị thiệt hại do ảnh hưởng từ công trình xây dựng, đầu năm 2017 chủ đầu tư có thẩm định lần 1, kết luận là toàn bộ vết nứt chân chim nhỏ và đền bù số tiền 43 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng nứt ngày càng nghiêm trọng, nên người  muốn chủ đầu tư đến thẩm định lại để khắc phục hậu quả cho gia đình. Bởi, trên lầu có nguy cơ sập trần, dưới tầng trệt đang nứt tường, một hộ dân  cho biết. mẩu sắt thường xuyên rớt xuống cửa nhà, dù đã được giăng lưới chắn. Tường nứt vỡ, cứ mưa là nước theo khe nứt ngấm vào nhà.

Không những vậy, tiếng ồn của máy móc, cát bụi… khiến cuộc sống của các hộ dân ở đây bị đảo lộn. Nguy hiểm hơn, cần cẩu của công trình vươn vào tận nhà dân mang theo cả vật liệu sắt thép, bê tông rơi xuống mái tôn vào nửa đêm khiến giấc ngủ của họ bị ngắt quãng vì lo lắng.

Những vụ việc trên tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về tình hình mất ATLĐ tại các công trình xây dựng. Theo thống kê, trên phạm vi cả nước cứ 3 ngày lại có một người chết vì TNLĐ. Tai nạn về thi công xây dựng hiện đang đứng thứ 2 về số người chết, sau TNGT. Nguy hiểm là vậy, song người lao động rất thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân, cũng không nhận được sự quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Thậm chí, còn có dấu hiệu bưng bít thông tin tai nạn để giữ hình ảnh dự án.

“Tại các công trình xây dựng, người ta nhấn mạnh cần bảo đảm ATLĐ nên phong tỏa rất chặt, người lạ không được nhìn hoặc tiếp xúc với quá trình xây dựng. Tôi còn nhớ trong thời gian thi công dự án ở Nguyễn Xiển, một công nhân (không đồ bảo hộ) bị rơi từ tầng 5 xuống đất, tử vong tại chỗ. Chỉ chục phút sau khi TNLĐ xảy ra, cơ quan chức năng có mặt lập biên bản qua loa. Việc còn lại đơn vị thi công thỏa thuận bồi thường để gia đình viết đơn bãi nại. Càng ít người biết tới tai nạn càng dễ sắp xếp. Việc giấu nhẹm thông tin, không muốn báo chí và người dân biết về các sự cố TNLĐ đang diễn ra ở không ít công trình” – một kỹ sư xây dựng (xin giấu tên) chia sẻ.

Sự bất cẩn hay lơ là gây nên thảm họa?

 Là địa phương đang tập trung rất nhiều người lao động làm việc trong nhóm nghề lao động tự do, làm việc trên các công trình xây dựng nhà cao tầng, năm 2017 TPHCM xảy ra số vụ TNLĐ cao nhất nước và có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất (123 người). Hầu hết các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại các công trình đang thi công xây dựng, do té ngã từ trên cao xuống. Nhiều người lao động, nhất là trong các nhóm lao động tự do, do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về biện pháp ATLĐ, nên lơ là, bất cẩn trong thi công xây dựng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành xây dựng cũng xem thường việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo ATLĐ trong thi công các công trình cao tầng, như thiếu biện pháp che chắn, lưới phòng hộ, dây treo an toàn, đặc biệt là thiếu tổ chức huấn luyện, đào tạo định kỳ bài bản về công tác ATLĐ cho người lao động.

Theo Bộ LĐTB-XH, có một thực tế là nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết người đã không bị xử lý nghiêm minh, nên việc bảo đảm ATLĐ vẫn còn bị xem thường.

Thực tế cho thấy, với các doanh nghiệp làm ăn bài bản, quan tâm chu đáo các biện pháp ATLĐ, quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện ATLĐ cho người lao động khi tuyển dụng vào làm việc, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Trong quy định pháp lý về ATLĐ, Bộ luật Lao động đã dành hẳn một chương (Chương IX) với 20 điều quy định về công tác ATLĐ cũng như các biện pháp về ATLĐ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong mối quan hệ sử dụng lao động.

Ngoài ra, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định rõ ràng, cụ thể về các biện pháp ATLĐ, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác ATLĐ. Thế nhưng vẫn chưa đủ chế tài hiệu quả tình trạng người sử dụng lao động, tức doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức vấn đề ATLĐ, thiếu các quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATLĐ.

Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là dù Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng như Bộ luật Lao động có quy định về việc khai báo, điều tra TNLĐ khi để xảy ra TNLĐ, và nghiêm cấm các hành vi che giấu, khai báo không đúng sự thật khi để xảy ra TNLĐ, nhưng lại thiếu các biện pháp chế tài răn đe hiệu quả. Do vậy, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng đã không được khai báo, thống kê đầy đủ theo quy định, thân nhân người bị TNLĐ thường thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để nhận chế độ “bồi thường một cục”, thay vì khai báo, làm thủ tục để được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do TNLĐ.

 Ông Hồ Anh Tuấn, đại diện Phòng Quản lý Chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thừa nhận, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng các công trình xây dựng đang thi công để xảy ra tai nạn. Công tác quản lý nhà nước về xây dựng, an toàn lao động, quản lý chất lượng công trình xây dựng, trật tự xây dựng đô thị còn chưa thực hiện chặt chẽ, đồng bộ; còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng tính mạng, tài sản người dân.

Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ nguyên nhân khiến công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động chưa thật sự tốt là do chế tài xử lý chưa thật nghiêm, ít truy cứu hình sự với những vụ vi phạm nghiêm trọng cho nên chưa có tính răn đe. Tính chung cả nước, năm 2017 chỉ có ba vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra, quá ít so với số vụ tai nạn lao động diễn ra trên thực tế.

Mặt khác, qua tìm hiểu cho thấy, để kiểm soát, ngăn ngừa những vi phạm an toàn lao động tại các công trình, từ năm 2016, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẳng định rõ, các cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị quản lý công trình xây dựng, UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy trên công trường xây dựng đang thi công. Tuy nhiên, trên thực tế, những năm qua, mặc dù các vụ tai nạn lao động tại các công trình thường xuyên gia tăng, nhưng vẫn chưa có thủ trưởng các đơn vị quản lý nào phải chịu trách nhiệm.

Để nâng cao hiệu quả an toàn lao động tại các công trình, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, phải truy tố trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị thi công công trình khi xảy ra sự cố nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nếu thiếu kiểm tra, giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về hành chính. Nguyên nhân dẫn đến chưa bảo đảm an toàn xây dựng tại các công trình hiện nay là do các đơn vị thi công chưa thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các quy định dẫn đến dư luận thì bức xúc, nhưng chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp rõ ràng.

Hải Đăng

Bài liên quan

Tin mới

Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII
Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?
5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?

Việt Nam có mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó có nhiều con sông lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng...

Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu
Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 23.5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu.

Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024
Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1325/QĐ-UBND quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố
Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố….

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.