Đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu tại hội trường

Đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu tại hội trường

Ngày 13/11, Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Đây là nội dung trước đó được rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện giám sát tối cao trong bối cảnh cháy nổ thời gian qua diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Cao Thị Xuân dẫn lại vụ cô nông dân Nguyễn Thị Hảo, 36 tuổi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7 ha, sau đó Hảo bị tuyên phạt 2 năm tù. Ngày 28/6 một nông dân khác là Phan Đình Thành, 46 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó Thành cũng bị khởi tố và bắt tạm giam.

Theo đại biểu Xuân, người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về PCCC nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì lại phải vào tù, trong khi hoàn toàn có thể phòng tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân được làm tốt hơn.

Cũng nêu con số về hàng ngàn công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã được đưa vào sử dụng, đại biểu Xuân đặt câu hỏi, tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC?

Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ, bà Xuân nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này.

Cũng theo vị đại biểu này, qua giám sát cho thấy, hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi. Nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC.

Công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra, đại biểu Xuân nhìn nhận.

Theo báo cáo giám sát, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

PV