Chiều ngày 19/12, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra buổi họp báo quốc tế công bố chương trình Festival Huế lần thứ X với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.
Được tổ chức thường niên 2 năm 1 lần, qua 9 kỳ tổ chức Festival Huế đã đạt được nhiều thành công nhất định trong cộng đồng Festival chuyên nghiệp trên thế giới, cũng như quảng bá hình ảnh du lịch Huế đến với bạn bè quốc tế.
Festival Huế lần thứ X năm 2018 sẽ chủ trọng mang tới cho du khách cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 Di sản đã được UNESSCO công nhận, bao gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế; Nhã nhạc Cung đình Huế; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. Mới đây, một tin vui nữa đã đến với 9 tỉnh thành miền Trung trong đó có Huế, đó là việc nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào đầu tháng 12 năm 2017.
Trong các hoạt động của Festival Huế 2018 sẽ có sự tham dự có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình nghệ thuật đến từ: Hàn Quốc, Mông Cổ, Israel, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Brazil…vv… Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện của các vùng miền trên cả nước cũng sẽ góp mặt tại Festival Huế lần thứ X.
Festival Huế 2018 sẽ có sự tham gia của hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế.
Cụ thể, Festival Huế 2018 sẽ diễn ra trong 6 ngày đên bao gồm các chương trình:
- Chương trình nghệ thuật Khai mạc, lúc 20h00 ngày 27/04/2018 do NSND Ngọc Bình làm tổng đạo diễn
- Chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế trong 6 ngày đêm diễn ra Festival Huế.
- Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” lúc 19h30 các ngày 28/04 và 30/04/2018/
- Liên hoan “Hát Văn, Hát Chầu văn trên toàn quốc” do Bộ VH-TT&DL tổ chức diễn ra từ ngày 26/04 đến 28/04/2018 với sự tham dự của nhiều nghệ nhân trên toàn quốc, nhằm tôn vinh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt đã được UNESSCO công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
- Lễ hội Áo dài lấy ý tưởng từ nghệ thuật Huế và tà áo dài với lụa Việt Nam lúc 20h ngày 29/04/2018.
- Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn lúc 20h ngày 28/04/2018.
- Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 01/05/2018.
- Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu Văn hóa” từ 16h00 vào các ngày từ 28/04 đến 02/05/2018.
- Chương trình “Nhừng tình khúc Huế” lúc 19h30 ngày 29/04/2018.
- Chương trình nghệ thuật Bế mạc vào lúc 20h ngày 02/05/2018.
Bên cạnh đó, còn có các sự kiện chương trình hưởng ứng Festival, các hoạt động cộng đồng như: Liên hoan Ẩm thực Quốc tế; Lễ hội đua thuyền trên sông Hương; Lễ hội Diều Huế…vv… cũng như các triển lãn, trưng bày với nhiều chủ đề khác nhau như: Ẩm thực cung đình Huế qua cổ vật; Thái y viện triều Nguyễn qua Châu bản…vv…
Bên cạnh nhiều hoạt động nghệ thuật, Festival Huế 2018 còn có nhiều sự kiện chương trình hưởng ứng.
Trao đổi với PV về việc BTC đã chuẩn bị thế nào trong công tác lưu trú, dịch vụ dành cho khách du lịch để không xảy ra tình trạng “chặt chém”, thiếu phòng trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2018 cho biết: Với kinh nghiệm tổ chức 9 kỳ Festival Huế trước đây, chúng tôi cam đoan sẽ không để xảy ra tình trạng “chặt chém” hay tăng giá dịch vụ trong suốt thời kỳ diễn ra Festival Huế, không vì một số hành động nhỏ mà ảnh hưởng đến toàn bộ hình ảnh du lịch Huế trong mắt du khách.
Quang Nam