Ngày 19/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin & Truyền thông và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo quốc tế về Festival Huế 2018.

Festival Huế là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Trải qua 9 kỳ, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, có vị thế và thương hiệu được bạn bè quốc tế biết đến.

Festival Huế và việc khẳng định một thương hiệu - Hình 1

Giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Pháp

Kế thừa và phát huy thành công của các kỳ Festival trước đây, Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 2/5/2018, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn nhiều vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam.

Hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chile, Australia, Ma Rốc… hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa, là cơ hội để quảng bá Huế, thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam.

Festival Huế và việc khẳng định một thương hiệu - Hình 2

Đoàn nghệ thuật Mông Cổ

Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 06 ngày đêm; bên cạnh đó, còn có các chương trình hưởng ứng Festival, các hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú; hàng loạt trưng bày, triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau…  

Một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival: Lễ Tế Giao, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén...

Festival Huế và việc khẳng định một thương hiệu - Hình 3

Đoàn nghệ thuật Trung Quốc

Khởi đầu từ “Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992” giữa Thành phố Huế và  tổ chức Codev Việt Pháp. Một lễ hội văn hóa mang tính thể nghiệm, với mục tiêu tôn vinh di sản văn hoá cung đình và dân gian, gắn bảo tồn di sản với hội nhập và phát triển.

Từ Festival Huế lần thứ nhất năm 2000 đến nay, qua 9 kỳ tổ chức, thương hiệu Festival Huế đã dần lan tỏa và hiện hữu trong lòng đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế. Từ chỗ phải thuyết phục các đối tác quốc tế tham dự và sẵn sàng tiếp nhận bất cứ đoàn nào, đến nay Festival Huế đã gần như có sự chủ động trong đàm phán và lựa chọn đoàn nghệ thuật.

Festival Huế và việc khẳng định một thương hiệu - Hình 4

Lễ hội áo dài

Festival Huế vào năm 2000 chỉ có 7 đoàn nghệ thuật quốc tế (chủ yếu là từ Pháp); đến đến kỳ Festival Huế lần thứ 9, đã thu hút 43 đoàn nghệ thuật nước ngoài, 27 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sỹ trong nước, trên 1.400 nghệ sỹ đến từ 37 quốc gia.

Sự phát triển về qui mô và số lượng các đoàn nghệ thuật dù còn nhiều vấn đề phải tính toán lại cho các kỳ Festival kế tiếp, nhưng đã thể hiện chất lượng, uy tín và thương hiệu của lễ hội ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút và lan toả trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hoá.

Festival Huế và việc khẳng định một thương hiệu - Hình 5

Đêm phương Đông

Festival Huế đã khẳng định là nơi gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế gắn với phát triển kinh tế dịch vụ du lịch, thương mại, củng cố môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú.

Thông qua Festival Huế đẩy mạnh việc giới thiệu bản sắc và những giá trị độc đáo của truyền thống văn hóa và phong cách sống của Huế, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế.

Festival Huế chỉ mới tổ chức đến kỳ thứ 10, còn non trẻ so với các Festival quốc tế, nhưng đang từng bước để khẳng định một thương hiệu đầy bản sắc và có uy tín.

Cao Huyền - Phương Thảo