Hành trình xây dựng và phát triển
Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An (sau đây gọi là thương hiệu Tràng An) được thành lập ngày 12/11/2001, địa chỉ trụ sở tại số 16, ngõ 113 Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội với mã số thuế là 0101186696 với ngành nghề kinh doanh chính đó là buôn bán các sản phẩm về thiết bị giáo dục và đồi chơi; buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng; Buôn bán các thiết bị giảng dạy và học tập chủ yếu cho các trường trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Người đại diện pháp luật là ông Lê Hùng Mạnh giữ chức vụ Giám đốc. Theo giấy thay đổi đăng ký kinh doanh lần 2, Công ty Tràng An có vốn điều lệ đăng ký là 20 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Hùng Mạnh – Giám đốc góp 18 tỷ đồng, còn bà Nguyễn Thị Hoa – Kế toán trưởng góp 2 tỷ đồng.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay thương hiệu Tràng An đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và cung ứng trang thiết bị dạy học, phục vụ cho giáo dục từ mầm non cho đến giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và giáo dục cộng đồng. Sản phẩm, hàng hóa kinh doanh của công ty rất phong phú, đầy đủ với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau, được sản xuất trong nước và quốc tế bao gồm: đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nội thất văn phòng, nội thất trường học (Bàn ghế học sinh, trang thiết bị phòng thí nghiệm, trang thiết bị phòng thư viện, thiết bị phòng học, thiết bị chiếu sáng học đường…); các thiết bị vui chơi cho trẻ em ở mầm non, tiểu học, các khu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao, sân chơi cộng đồng, nhà văn hóa thanh, thiếu niên, công viên… Hiện nay các sản phẩm của Tràng An đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước.
Trong hành trình phát triển của mình, thương hiệu Tràng An nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của thiết bị giáo dục, trang, thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi; thiết bị vận động của các nhà trường, trong những năm qua, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công nhân viên Công ty Tràng An không ngừng phấn đấu tìm tòi, sáng tạo, cải tiến công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng nhà máy, hiện đại hoá dây chuyền máy móc, trang thiết bị sản xuất, nhằm đa dạng các mẫu mã, sản phẩm đảm bảo chất lượng, có tính giáo dục, thẩm mỹ cho từng sản phẩm và an toàn tuyệt đối cho người lớn, trẻ em; đảm bảo được tiêu chí “Chơi mà học, học mà chơi”. Phương châm hoạt động và kinh doanh, phục vụ của công ty Tràng An là “Kỷ cương – Năng suất – Chất lượng – Hiệu quả”.
Thương hiệu Tràng An có đội ngũ cán bộ và chuyên gia cao cấp, các kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên giàu nhiệt huyết, trách nhiệm với chuyên môn cao, sẵn sàng phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, chăm sóc và đảm bảo lợi ích cao nhất cho Quý khách hàng, thương hiệu Tràng An đã vận hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015.
Thương hiệu Tràng An cũng nhận được nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cấp các ngành. Ban Giám đốc Công ty đã được nhận huy chương vì sự nghiệp Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngoài công việc sản xuất và kinh doanh, Công ty luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và hưởng ứng các phong trào chung của thủ đô Hà Nội, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ban ngành khác.
Với phương châm “Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai”, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An cam kết sẽ không ngừng sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục; cố gắng tạo ra các trang thiết bị giáo dục, dạy học hiệu quả thiết thực; các thiết bị tập luyện và đồ chơi bổ ích cho xã hội và cộng đồng, đặc biệt là các đồ chơi kích thích sự phát triển của trẻ em, gây dựng cho trẻ nguồn cảm hứng sáng tạo, mở ra chân trời mới, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các em, những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Nhà thầu cung ứng thiết bị giáo dục tại nhiều địa phương
Theo thống kê sơ bộ từ cổng đấu thầu quốc gia, Công ty Tràng An đã tham gia 226 gói thầu trong đó, trúng 152 gói, trượt 52 gói, 14 gói chưa có kết quả và 2 gói đã bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu là trên 1.690 tỷ (trúng với vai trò độc lập trên 568 tỷ đồng, vai trò liên danh trên 1.121 tỷ đồng). Các địa phương Công ty Tràng An đã tham dự thầu gồm Ninh Bình, Hà Nội, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Gia Lai, Bắc Ninh,…
Đáng chú ý, với vai trò liên danh Công ty Tràng An tham gia 62 gói thầu thì trúng 61 gói đạt tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối. Các đơn vị mà Công ty Tràng An thường cùng liên danh có thể kể đến gồm Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Hà Thành, Công ty TNHH Công nghệ thông tin ITCON và Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị Phương Nam. Các bên mời thầu mà Công ty Tràng An đã tham dự thầu có thể kể đến như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang (trúng 8 gói thầu với tổng giá trị là trên 152 tỷ đồng; Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình (trúng 7 gói thầu với tổng giá trị hơn 48 tỷ đồng).
Những năm qua, Công ty Tràng An là nhân vật chính trong những bản hợp đồng mua sắm thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng tại các dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh mời thầu với danh nghĩa nhà thầu độc lập.
Cụ thể, tại Gói thầu số 04: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu cấp Tiểu học, Trung học cơ sở ( đợt 1), Công ty Tràng An trúng 3/5 lô thầu nhỏ gồm: Phần 1: Thiết bị dùng chung, thiết bị môn Tin học, môn Công nghệ (cấp Tiểu học, cấp Trung học cơ sở) – Ký hiệu P01 (giá trúng thầu 16.652.962.000 đồng); Phần 4: Thiết bị môn Ngoại ngữ, Môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật (cấp Tiểu học, cấp Trung học cơ sở) – Ký hiệu P04 (giá trúng thầu 12.192.469.000 đồng); Phần 5: Thiết bị môn Giáo dục thể chất, Môn Hoạt động trải nghiệm (cấp Tiểu học, cấp Trung học cơ sở) – Kí hiệu P05 (giá trúng thầu 16.574.381.000 đồng). Tổng giá trị mà Công ty Tràng An trúng tại gói thầu này là 45.419.812.000 đồng.
Tại Quảng Ngãi, Công ty Tràng An cùng Công ty TNHH Công nghệ thông tin ITCON tạo thành liên danh trúng gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10, lớp 11, thiết bị dạy và học ngoại ngữ, thiết bị phục vụ chuyển đổi số cấp cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 do Sở GD%ĐT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với giá 42.277.169.000 đồng, giá gói thầu 43.462.293.500 đồng.
Liên danh này cũng trúng gói thầu: Mua sắm tập trung trang thiết bị dạy học phục vụ hoạt động cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi với giá 61.075.128.000 đồng, giá gói thầu 62.936.067.000 đồng.
Trong hoạt động đấu thầu, Công ty Tràng An cũng là đơn vị không vấp phải trở ngại nào khi tham gia vào các gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai là chủ đầu tư. Chẳng hạn như gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10, lớp 11” nằm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình phổ thông mới”, sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp Giáo dục Đào tạo năm 2023, giá gói thầu là 20.902.814.750 đồng. Tại gói thầu này, duy nhất chỉ có Công ty Tràng An là nhà thầu tham dự và trúng thầu với giá 20.275.658.000 đồng.
Trước đó, tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 năm 2022” nằm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu “Tiểu dự án 1 – Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai chủ đầu tư, Công ty Tràng An thắng thầu khi là nhà thầu duy nhất tham dự, giá trúng thầu là 8.325.628.000 đồng.
Tương tự, tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới”, Công ty Tràng An vẫn là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 4.156.850.000 đồng.
Hay như gói thầu mua sắm thiết bị thuộc Dự án chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 thực hiện trong năm 2021, Công ty Tràng An trúng thầu với giá 6.467.379.000 đồng, giá gói thầu này là 6.665.133.600 đồng.
Tại Lạng Sơn, Công ty Tràng An trúng Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư với giá 21.746.737.000, giá gói thầu 22.518.060.000 đồng; Gói thầu số 03 Mua sắm thiết bị phòng học bộ môn trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với giá trúng thầu là 27.269.870.000, giá gói thầu là 28.113.409.000 đồng.
Tại tỉnh Kon Tum, Công ty Tràng An liên danh cùng Trung tâm thiết bị nội thất văn phòng Bích Lan cũng trúng gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum, năm 2023 với giá 36.617.764.000 đồng. Gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư, giá gói thầu là 37.565.539.200 đồng.
Hay gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có giá 13.959.556.000 đồng, Công ty Tràng An trúng thầu với giá 13.540.890.000 đồng.
"Vòng tròn" liên danh - Đối thủ
Qua quá trình tìm hiểu diễn biến nhiều gói thầu của Công ty Tràng An cho thấy, doanh nghiệp này có mối quan hệ “đặc biệt” với Công ty cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Hà Thành (sau đây gọi là Công ty Hà Thành) có địa chỉ tại số 41D, tập thể Đại học Thương mại, phố Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Vũ Thị Ngọc Lan giữ vai trò Giám đốc Công ty.
Cụ thể, tại gói thầu “Mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư. Gói thầu có giá 13.959.556.000 đồng được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại gói thầu này, chỉ có duy nhất 2 nhà thầu tham dự là Công ty Tràng An và Công ty Hà Thành tham dự và Công ty Tràng An giành chiến thắng khi được phê duyệt trúng thầu với giá 13.540.890.000 đồng.
Nguyên nhân mà Công ty Hà Thành trượt thầu ở gói thầu nói trên là do nhà thầu này đã đưa ra hàng hóa trong hợp đồng tương tương tự của nhà thầu chủ yếu là các mặt hàng: Đồ dùng dạy học tối thiểu như: Lượt đồ thế giới cổ đại; bản đồ địa hình; cốc thủy tinh, ống nghiệm; Bộ dụng cụ và hóa chất điều chế oxygien... Sách giáo khoa, dụng cụ, mô hình. Trong khi đó, hàng hóa của gói thầu đang xét trong E-HSMT là: thiết bị dạy học cho các trường phổ thông: Máy tính để bàn dành cho giáo viên; Ứng dụng văn phòng Office; Máy tính để bàn dùng cho học sinh; Thiết bị Wifi; Electric Keyboard (đàn phím điện tử)...
Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc trước việc, mặc dù là một nhà thầu từng tham gia và trúng rất nhiều gói thầu trong lĩnh vực mua sắm tương tự, thế nhưng ở gói thầu này, Công ty Hà Thành lại "lạc đề" khi liệt kê hàng hóa trong hợp đồng tương tự, khi đối đầu với đối thủ là Công ty Tràng An?
Cũng trong vai “đối thủ”, tại gói thầu “Mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 và bàn ghế học sinh cho các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2021” do Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu là chủ đầu tư, trị giá gói thầu là 19.980.000.000 đồng.
Tại gói thầu này, Công ty Tràng An đã vượt qua Công ty Hà Thành và Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Khoa học kỹ thuật Long Thành, với mức giá trúng thầu 19.580.036.000 đồng.
Bỏ qua những lần “so găng” với nhau, Công ty Tràng An và Công ty Hà Thành cũng thường xuyên bắt tay tạo thành liên danh nhằm khai thác những gói thầu có giá trị lớn.
Có thể kể đến, gói thầu “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho trường mầm non trên địa bàn các huyện, thành phố (Vĩnh Yên; Tam Dương; Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch)” của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Liên danh Tràng An – Hà Thành trúng thầu với giá 53.345.229.000 đồng.
Hay như gói thầu “Mua sắm Thiết bị tối thiểu, bàn ghế học sinh; Đồ dùng nhà ăn, nhà bếp và đồ dùng khu nội trú học sinh cho các trường TH-THCS bán trú” do Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư (giá dự toán là 5.279.037.900 đồng, giá trúng thầu là 5.226.986.000 đồng); gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 cho các trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020” do Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư (giá gói thầu là 14.152.490.000 đồng, giá trúng thầu là 14.078.400.000 đồng); gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi mầm non năm 2020” do Sở GD&ĐT Ninh Bình làm chủ đầu tư (giá dự toán là 27.739.409.000 đồng, giá trúng thầu là 27.588.888.000 đồng); Gói thầu số 04: Mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn do Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (giá dự toán là 64.715.401.500 đồng, giá trúng thầu là 64.390.099.000 đồng).
Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi mầm non năm 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình chủ đầu tư (giá trúng thầu với giá 27.588.888.000 đồng, giá gói thầu là 27.739.409.000 đồng).
Được biết, Công ty Tràng An (nhà thầu 1) đã từng đấu với Công ty Hà Thành (nhà thầu 2): 11 gói thầu, trong đó nhà thầu 1 thắng thầu: 9 lần, nhà thầu 2 thắng thầu: 7 lần.
Theo một số chuyên gia, tình trạng “liên danh - đối thủ” này có thể là dấu hiệu không bình thường trong hoạt động đấu thầu khi số lượng nhà thầu dự thầu chỉ để “cho vui”, cho đủ điều kiện, làm nhiệm vụ lót đường cho doanh nghiệp đã được sắp đặt để trúng thầu.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình – Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, đấu thầu là quá trình lựa chọn các ứng viên nhà thầu có thể đáp ứng được các yêu cầu kinh tế, kĩ thuật được đưa ra bởi bên mời thầu. Hoạt động này, phải đảm bảo bốn nội dung: hiệu quả – cạnh tranh – công bằng – minh bạch. Hiệu quả có thể về mặt tài chính hoặc về thời gian hay một tiêu chí nào khác tuỳ thuộc vào mục tiêu của dự án. Với các dự án có tổng đầu tư lớn, có giá trị về mặt kinh tế hoặc xã hội thì công tác đấu thầu là một khâu quan trọng không thể thiếu và đấu thầu phải tuân thủ theo quy định của nhà nước.
“Thời gian qua, cơ quan điều tra đã và đang điều tra nhiều vụ án khủng, làm sáng tỏ và xử lý các nhóm lợi ích trục lợi tiền của Nhà nước thông qua các hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Do đó, việc xuất hiện một doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu sát giá tại một chủ đầu tư trong một thời gian dài là một trong những chỉ dấu cho thấy cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật về đấu thầu, có nhóm lợi ích trục lợi vốn đầu tư thông qua hoạt động đấu thầu thực hiện dự án thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định hiện hành của pháp luật”, Luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Hải Minh - Trần Mạnh