Hướng tới… “thương hiệu quốc tế”

Theo Phương án CPH công ty mẹ - Hapro đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 30/11/2017), sau CPH Hapro sẽ tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh hiện tại với 66 mã ngành kinh doanh.

Trong đó, hoạt động kinh doanh chính là XNK. XK các mặt hàng nông sản thực phẩm và kinh doanh TM nội địa, gồm: Bán lẻ, phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích và phân phối, bán buôn; sản xuất một số sản phẩm phục vụ XK, kinh doanh nội địa…

Đẩy mạnh hoạt động XK và phát triển thị trường nội địa, trọng tâm là phát triển hệ thống kinh doanh TM bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh để phát triển trở thành DN TM lớn của Hà Nội.

Hapro sẽ tập trung phát triển và nâng cao kim ngạch XK: Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch XK chiếm 80% tổng doanh thu của TCT, đưa Hapro trở thành thương hiệu XK quốc tế hàng đầu tại khu vực.

Hapro sau cổ phần hóa: Xuất khẩu là mục tiêu hàng đầu! - Hình 1

Hàng hóa của Hapro tại Hội chợ xuân Giảng võ (tổ chức tại I.C.E)

Năm 2018, Hapro đặt mục tiêu tổng doanh thu dự kiến đạt 7.992 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 118 tỷ đồng; tổng kim ngạch XNK đạt 213 triệu USD, nộp ngân sách 182 tỷ đồng; năm 2019, tổng doanh thu dự kiến đạt 9.430 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 170 tỷ đồng; tổng kim ngạch XNK đạt 235 triệu USD, nộp ngân sách 200 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Hapro sẽ tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở sản xuất vệ tinh. Qua đó, giúp tăng cường nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều gắn với thương hiệu Hapro, phục vụ tối đa nhu cầu XK. Đồng thời, quan tâm hơn đến mối quan hệ với các đối tác, khách hàng để mở rộng và phát triển thị trường XK.

Theo Tổng giám đốc Hapro - Vũ Thanh Sơn: “Công tác XTTM trong và ngoài nước được chú trọng, đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; khai thác tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước và TP. Hà Nội…”.

Mặt hàng XK đã có mặt tại 70 quốc gia

Là một DN lớn của Hà Nội trong lĩnh vực kinh doanh TM dịch vụ, XNK và phát triển hạ tầng TM, những năm qua, hoạt động XK của Hapro tập trung vào một số mặt hàng chủ lực là gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, rau củ quả chế biến, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ…

Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhưng tổng kim ngạch XNK của Hapro đạt 89,33 triệu USD. Riêng XK đạt 87,38 triệu USD, chiếm tới 96% tổng kim ngạch XNK (gạo, hạt điều, XK tăng từ 17 - 25% so với 2016).

Hapro sau cổ phần hóa: Xuất khẩu là mục tiêu hàng đầu! - Hình 2

Gian hàng của Hapro tại Hội chợ Indonesia, Philippines, Malaysia

Thực tế, XK hàng hóa thời gian qua cho thấy, để đạt được sự tăng trưởng ấn tượng, Hapro có sự gắn kết chặt chẽ với người sản xuất, tạo nguồn hàng XK ổn định, đa dạng và chất lượng cao. Hoạt động quảng bá thương hiệu được chú trọng, thông qua các hội chợ quốc tế, TM điện tử.

Giờ đây, thương hiệu Hapro đã trở nên quen thuộc tại nhiều hội chợ triển lãm ở Đức, Nhật Bản, Trung Quốc…; hàng hóa XK đã có mặt tại 70 quốc gia trên thế giới.

Tại Hội nghị đối ngoại do Hapro tổ chức mới đây, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định: “Thời gian qua, Hapro đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Thủ đô và thực hiện hiệu quả việc XK hàng Việt sang các nước. Thị trường XK các mặt hàng chủ đạo gồm Mỹ, Hà Lan, Canada... (hạt điều), Philippines, Trung Quốc... (gạo), một số nước Trung Đông, UAE, Hàn Quốc... (hạt tiêu và cà phê)”.

Phó tổng giám đốc Hapro - Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: Thời gian tới, ngoài việc duy trì một số thị trường truyền thống, Hapro tiếp tục khảo sát một số thị trường trọng điểm, thị trường ngách, nơi có nhiều tiềm năng NK hàng hóa Việt Nam như ASEAN, Hongkong, Hàn Quốc, Mỹ… Những thị trường này, không chỉ giúp DN đẩy mạnh XK hàng Việt ra thị trường thế giới, mà còn tìm kiếm nguồn hàng NK, phục vụ nhu cầu phân phối, tiêu dùng trong nước.

Tuấn Ngọc