Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về ngân sách Nhà nước và đầu tư công.
Sáng ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự toán ngân sách nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn,…
Theo chương trình phiên họp, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện 3 năm. Đây không phải thời gian dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận những bước tiến mới, kết quả đạt được và cả khó khăn, thách thức đang đặt ra để khẳng định đổi mới là cần thiết, đúng đắn. Những cố gắng của Chính phủ, của các cấp, các ngành là thực sự đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, nêu thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, với tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Ở rất nhiều dự án tại địa phương dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đặc biệt với nguồn trái phiếu chính phủ, 64 tỉnh, thành phố, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ 1 dự án, trong khoảng 260.000 tỷ đồng.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho biết: “So sánh kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta rất lớn. Hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, toàn xã hội. Ví dụ như ở Australia, đầu tư vào sân bay và một số dự án lớn.
Mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư".
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).
Theo bà Mai, cần thay đổi nguồn lực, thay đổi trật tự ưu tiên ở các văn bản pháp luật. Đề xuất dự án có sự liên kết của nhiều địa phương, để lan tỏa. Tiếp theo, cần nâng cao công tác quy hoạch. Cuối cùng, Nhà nước chỉ nên thực hiện đầu tư ở ngành mà tư nhân không thể, không muốn đầu tư. Và cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án hoàn thành…
Theo ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội, trong Nghị quyết 26 nêu định hướng rất đúng là tập trung, tránh dàn trải, khắc phục những hiện tượng dở dang của các công trình. Tuy nhiên, khi thực hiện, cách phân bổ chưa đạt được mục tiêu đó. Công bằng là cần thiết, nhưng trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, chúng ta cần ưu tiên hợp lý, có như vậy mới khắc phục được tình trạng dàn trải kéo dài trong nhiều năm qua.
Về vấn đề hiệu quả nguồn lực ngân sách, ĐB Lưu Mai đặt vấn đề: “Về cơ bản, vốn cho đầu tư phát triển là vốn đi vay, khi phân bổ, dường như chúng ta chú trọng hơn ở cách chia tiền. Suốt nhiều năm qua, chúng ta chưa có được bức tranh tổng thể, rằng với nguồn tiền ấy, chúng ta có được bao nhiêu dự án và trong số những dự án được hoàn thành ấy có bao nhiêu dự án hiệu quả, bao nhiêu dự án chưa hiệu quả”....
Đặc biệt, về chất lượng các công trình, dự án ĐB Lưu Mai cho rằng, đây là vấn đề rất nổi cộm. Gần đây nhất, báo chí đưa tin rất nhiều về tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Nguyên nhân được giải thích là do thời tiết, mưa nhiều… gây bức xúc trong dư luận.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi: “Đây chỉ là một ví dụ mà chúng ta nhìn thấy, còn bao nhiêu công trình, dự án khác chúng ta ko nhìn thấy thì chất lượng có đảm bảo hay không?”.
Đăc biệt, bà Lưu Mai cho biết, liên quan đến những công trình thủy lợi nạo, vét lòng sông,… có những ý kiến của người dân cho rằng, chúng ta đổ tiền xuống sông, xuống biển.
Do đó, bà Lưu Mai đề xuất: “Khi chúng ta đầu tư nguồn lực thì cần kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng. Đối với những dự án có biểu hiện thất thoát, lãng phí cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh để lấy được lòng tin trong Nhân dân”.
Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, Quốc hội đã phân bổ 80.000 tỷ cho các công trình quan trọng quốc gia. Trong đó, có những công trình rất lớn như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam… Tuy nhiên, đến nay hầu hết các công trình này đều chậm tiến độ. Khi đó, kéo theo những hệ lụy.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng: “Việc giải phóng mặt bằng đối với sân bay quốc tế Long Thành, người dân rất bức xúc vì đất của họ bị thu hồi nhưng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng hiện vẫn chưa hoàn tất. Trong khi, Nghị quyết của Quốc hội đã phân bổ 5.000 tỷ đồng cho dân giải phóng mặt bằng sân bay quốc tế Long Thành cách đây hơn 1 năm. Do đó, tới đây, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Điều này không chỉ đảm bảo hiệu quả nguồn lực mà còn góp phần đảm bảo đời sống người dân”.
Tuấn Ngọc